Ở thời đại bùng nổ công nghệ số, học viện An ninh Thành Cát Tư Hãn cũng bổ sung thêm các khóa huấn luyện về an ninh mạng, nhiều tương đương nội dung đào tạo truyền thống về kỹ năng cận chiến, sử dụng vũ khí và lái xe ở tốc độ cao.
Các học viên mỗi ngày được yêu cầu mặc đồng phục màu đen, tham gia huấn luyện từ bình minh cho đến nửa đêm tại học viện ở Thiên Tân, thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc.
Học viện có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Những người tốt nghiệp hi vọng có được công việc bảo vệ cho giới siêu giàu, tầng lớp đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Một chỗ làm tốt có thể giúp cho vệ sĩ chuyên nghiệp kiếm được 70.000 USD/năm, cao hơn nhiều lần mức thu nhập thông thường ở Trung Quốc.
Theo CTV, con số 1.000 học viên đào tạo mỗi năm vẫn không đủ để học viện đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn ở Trung Quốc. Theo báo cáo của Credit Suisse năm 2019, Trung Quốc đang có khoảng 4,4 triệu phú USD, cao hơn Mỹ.
Học phí cho những người nuôi mộng làm vệ sĩ chuyên nghiệp cũng không rẻ, khoảng 3.000 USD/học viên. Học viện đã phải tạm hoãn đào tạo từ tháng 2 đến tháng 6 vừa qua vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các vệ sĩ phải thành thục kỹ năng sử dụng súng.
Chen Yongqing, người sáng lập học viện, nói chỉ những học viên ưu tú nhất mới được tốt nghiệp. Ông khẳng định môi trường trong học viện còn khắc nghiệt hơn trong quân ngũ.
"Tôi nóng tính và đòi hỏi rất cao", ông Chen, cựu quân nhân Trung Quốc ở vùng Nội Mông nói. "Chỉ có nghiêm khắc mới rèn được kiếm tốt. Nếu không kiếm sẽ tự gãy".
Ông Chen nói gần một nửa học viên của ông là cựu quân nhân. Các vệ sĩ phải thành thạo kỹ năng dùng súng giải vây cho thân chủ và đưa chủ nhân vào xe tẩu thoát khi bị phục kích.
Học viện Thành Cát Tư Hãn có quy định khắt khe, không cho phép học viên sử dụng điện thoại di động. Những bữa ăn được phục vụ trong sảnh lớn và học viên phải dùng bữa trong im lặng.
Những vệ sĩ ưu tú tốt nghiệp học viện tham gia bảo vệ Jack Ma, cũng như từng hỗ trợ công tác bảo vệ Tổng thống Pháp khi đến thăm Trung Quốc.
"Chúng tôi đã làm nên tiêu chuẩn vệ sĩ tại Trung Quốc", Ji Pengfei, một nhân viên đào tạo tại học viện, nói.
Trong một bài tập ứng phó đối tượng đe dọa, học viên sau khi nghe hiệu lệnh "Nguy hiểm”, phải che chắn thân chủ và rút súng thật nhanh. Người nào không thực hiện xong động tác trong 2 giây sẽ chịu phạt hít đất 50 cái.
Các vệ sĩ ưu tú của học viện tham gia bảo vệ các tỉ phú siêu giàu ở Trung Quốc.
Súng được sử dụng trong huấn luyện ở Thiên Tân đều là súng giả. Trung Quốc có quy định không cho đối tượng dân sự sở hữu vũ khí. Để tập luyện bắn đạn thật, các học viên được đưa đến cơ sở tại nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới, học viện cũng đào tạo vệ sĩ thuần thục kỹ năng chống tấn công mạng trên điện thoại di động, an ninh mạng, phát hiện nghe lén và xóa dữ liệu.
"Các ông chủ không cần bạn đánh nhau nữa", ông Chen chia sẻ với học viên.
Kỷ nguyên công nghệ không đồng nghĩa rằng những mối đe dọa truyền thống đã biến mất.
Đầu năm nay, tỉ phú He Xiangjian, nhà sáng lập tập đoàn Midea, gã khổng lồ trong ngành điện gia dụng tại Trung Quốc, bị bắt cóc ngay tại nhà riêng. Con trai ông He kịp nhảy xuống sông trốn thoát và báo cảnh sát.
Các vệ sĩ tốt nghiệp học viện cũng hoàn toàn có thể nhận các nhiệm vụ đơn giản hơn như hộ tống con cái những người giàu có đến trường, với mức lương 26.000 USD/năm.
Theo Jim, các khách hàng lựa chọn vệ sĩ còn có những yêu cầu khác ngoài chuyên môn.
Một số người chỉ chọn vệ sĩ hợp tuổi với mình. Một tỉ phú nằm trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới còn yêu cầu là chỉ nhận vệ sĩ cùng quê. Một khách hàng khác muốn tìm vệ sĩ có sở thích đọc tiểu thuyết quân sự.
Cuối cùng, học viện Thành Cát Tư Hãn đang hướng tới việc đưa các vệ sĩ ra nước ngoài làm việc. Ở một số quốc gia cho phép vệ sĩ mang súng, công việc thách thức lớn hơn nhiều nhưng đem lại thu nhập hấp dẫn.