Bên trong 'công xưởng thi đại học' lớn nhất Trung Quốc: Học 15 tiếng/ngày nhưng chỉ có 15 phút để ăn, giáo viên lên lịch sinh hoạt cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian

ĐINH ANH |

Ký túc xá, nơi khoảng ½ học sinh cư trú của trường được thiết kế không có ổ điện. Trong thị trấn, chính quyền địa phương đóng cửa mọi hình thức giải trí. Đây là nơi duy nhất ở xứ tỷ dân không tồn tại trò chơi điện tử, phòng bida, quán cà phê Internet.

11h44, con đường dẫn vào Mao Thản Xưởng, nằm ở tỉnh An Huy, Trung Quốc vắng không một bóng người. Nhưng chỉ một phút sau, đúng 11h45, sự tĩnh lặng bị phá vỡ. Hàng nghìn thiếu niên ùa ra trước cánh cổng cao chót vót của trường Trung học Mao Thản Xưởng.

Đó là giờ nghỉ trưa tại một trong những "công xưởng" luyện thi đại học lớn nhất Trung Quốc. 20.000 học sinh tại đây (gấp 4 lần dân số chính thức của một thị trấn) đều đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, hay còn gọi là gaokao (cao khảo). Kỳ thi được xem là cơ hội đổi đời cho hầu hết những học sinh đến từ những vùng nông thôn.

Yang Wei, học sinh lớp 12 tại trường Trung học Mao Thản Xưởng cho biết một ngày học bắt đầu từ 6h20 và kết thúc lúc 22h50. Lịch sinh hoạt này diễn ra vào tất cả các ngày trong suốt 3 năm. Yang cho biết nếu nối tất cả bài kiểm tra đã làm trong 3 năm có thể phủ kín tất cả con đường trên khắp thế giới.

Theo NYT, anh là con trai của một lão nông. Với mong muốn đổi đời, cha mẹ cậu đã quyết định đầu tư để con trai duy nhất trong nhà có thể trúng tuyển vào đại học.

Dẫu chi phí thuê phòng ở Mao Thản Xưởng đắt đỏ song gia đình bố mẹ anh vẫn cố gắng thuê một phòng nhỏ gần trường để con tiện học hành. Thậm chí mẹ anh còn nghỉ việc để lên ở cùng con nhằm chăm sóc con trai những năm cuối cấp. Bởi nếu không thể trúng tuyển đại học, Yang có thể sẽ phải gia nhập vào lực lượng lao động di cư.

Vì thế trong những học sinh tại Mao Thản Xưởng có khoảng 2/3 số người từng trượt đại học. Nhiều học sinh đến từ Vân Nam, Tứ Xuyên và nhiều phương xa sẵn sàng ôn thi lại trong “công xưởng” thi đại học này để đạt được kết quả như ý muốn.

Thánh địa ôn thi có kỷ luật thép

Bên trong công xưởng thi đại học lớn nhất Trung Quốc: Học 15 tiếng/ngày nhưng chỉ có 15 phút để ăn, giáo viên lên lịch sinh hoạt cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Những gia đình có điều kiện có thể cho con tham gia những lớp học chất lượng cao, thuê gia sư về dạy riêng. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, những học sinh nông thôn không có đặc quyền đó. Mao Thản Xưởng ra đời là để phục vụ nhu cầu này.

Môi trường ở đây nghiêm khắc và kỷ luật cao. Nhân viên thường xuyên kiểm tra học sinh trốn học và đưa ra những hình phạt cứng rắn. Bởi thu nhập của họ phụ thuộc vào sự tiến bộ về mặt điểm số của học sinh.

Ngoài ra hệ thống camera giám sát được lắp đặt ở khắp mọi người, từ lớp học đến ký túc xá, thậm chí trên giao lộ của thị trấn, để theo dõi mọi chuyển động của học sinh. Người ngoài, kể cả phụ huynh, không được phép vào khuôn viên trường, ngoại trừ 3 tiếng giữa ngày chủ nhật.

Điểm đặc biệt, trước khi vào đây học sinh phải lên tinh thần là chỉ học chứ không có bất kỳ hoạt động giải trí nào. Tại đây điện thoại di động và máy tính xách tay bị cấm. Kí túc xá, nơi khoảng 1/2 học sinh sinh hoạt được thiết kế không có ổ điện. Mỗi ngày trôi qua chỉ có 3 việc là học tập, ăn uống và nghỉ ngơi.

Trong thị trấn, chính quyền địa phương đóng cửa mọi hình thức giải trí. Có lẽ đây là thị trấn duy nhất ở Trung Quốc không tồn tại trò chơi điện tử, phòng bida hay quán cà phê Internet.

Bên trong công xưởng thi đại học lớn nhất Trung Quốc: Học 15 tiếng/ngày nhưng chỉ có 15 phút để ăn, giáo viên lên lịch sinh hoạt cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.

Những sĩ tử "chạy đua" với thời gian

Khi lên lớp 12, học sinh ở Mao Thản Xưởng gần như "chạy đua" với thời gian, tận dụng từng phút để học bài. Thông thường, một ngày học bắt đầu từ 6h20 và kết thúc lúc 22h50. Các em chỉ dành 10-15 phút để ăn uống và 1 tiếng để nghỉ giải lao. Thậm chí giáo viên lên lịch tắm rửa, vệ sinh cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian học, theo Insider. Mỗi cuối tuần các em chỉ có 90 phút để nghỉ ngơi.

Để chuẩn bị cho kỳ thi Gaokao, học sinh sẽ phải làm bài thi hàng tháng. Mỗi lớp lập một danh sách để đánh giá xếp hạng mỗi tháng của học sinh. Không chỉ nêu xếp hạng, học sinh sẽ biết được bản thân tụt hạng hay tăng hạng so với tháng trước. Ví dụ: "Wang Xiaohong, cộng 10", nghĩa là Wang Xiaohong vừa tăng 10 hạng so với tháng trước. Việc thăng hay giảm hạng cũng ảnh hưởng đến tiền học của các em.

Theo đó học sinh điểm thấp phải trả học phí cao và ngược lại. Cấu trúc này được thiết kế nhằm đảm bảo tỷ lệ thành công và tăng doanh thu cho trường.

Bên trong công xưởng thi đại học lớn nhất Trung Quốc: Học 15 tiếng/ngày nhưng chỉ có 15 phút để ăn, giáo viên lên lịch sinh hoạt cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian - Ảnh 3.

Ảnh: The New York Times

Vì thế tại Mao Thản Xưởng, giáo viên luôn đề cao việc học của các em lên hàng đầu. Bởi thu nhập của họ tăng hay giảm chịu ảnh hưởng tỷ lệ học sinh đỗ hay trượt. Đối với mỗi học sinh đỗ vào một trường đại học hạng nhất, nhóm giáo viên 6 người (một giáo viên chủ nhiệm và 5 giáo viên môn học) sẽ chia nhau phần thưởng 500 USD.

Lương cơ bản của giáo viên tại đây cũng cao gấp 2-3 lần mức lương thông thường tại Trung Quốc. Tiền thưởng có thể gấp đôi thu nhập của họ.

Song cái giá phải trả cho mức lương cao gấp 3 lần bình thường là cuộc xếp hạng không ngừng nghỉ. Giáo viên sẽ được xếp hạng dựa trên điểm tích lũy hàng tuần của học sinh. Nếu xếp cuối bảng, giáo viên đó có thể bị sa thải. Giáo viên chủ nhiệm phải làm việc hơn 17 giờ mỗi ngày để giám sát tình hình học tập của học sinh.

Những động thái cứng rắn này đã mang đến sự thay đổi lớn. Năm 1998 trường chỉ có 98 học sinh đỗ đại học. 15 năm sau con số này nâng lên 9.312 và không ngừng tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại