Đám cưới đầy vàng và kim cương của con gái đại gia phố cổ
Bà Trương Thị Mô (sinh năm 1924) là con gái thứ 2 của cụ ông Trương Trọng Vọng và cụ bà Nguyễn Thị Sửu. Những năm 20 của thế kỷ trước, cụ ông Trương Trọng Vọng được biết tới là một doanh nhân thầu khoán giàu nức tiếng ở Hà Nội, quê gốc ở Văn Điển (Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội).
Nhớ về những kí ức ngày tổ chức đám cưới của mình, bà nói bố mẹ bà không thách cưới như những gia đình khác. Khi ấy, bà vừa bước sang tuổi đôi mươi, đang bán tơ lụa ở phố Hàng Đào còn chồng bà là nhân viên của Sở Hỏa xa (nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Cả hai gặp gỡ và yêu nhau nhờ bạn bè mai mối, sau một thời gian ngắn tìm hiểu thấy phù hợp nên quyết định về chung một nhà.
Bà Mô chia sẻ trên Báo pháp luật vô cùng xúc động: "Tôi vẫn nhớ, ngày ăn hỏi, tôi mặc áo dài nhung màu tiết dê, tóc để kiểu phi dê và đeo trên người các loại trang sức như kiềng, dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc tay và cả nhẫn kim cương. Bố mẹ tôi có nhiều bạn bè nên chỉ riêng ngày ăn hỏi, mọi người đã đứng gần kín phần diện tích 800 m2 của căn biệt thự.
Khi nhà trai xuất hiện, số lượng khách bên nhà trai cũng không kém cạnh. Ai cũng ăn mặc lịch sự, sang trọng. Đi đầu là đoàn nam thanh với 7 tráp lễ được trang trí rất đẹp và cầu kỳ. Tiếp theo là các bô lão, các thành viên trong gia đình chú rể và các anh em bạn bè".
Còn ngày tổ chức đám cưới, dù đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục nhưng đám cưới vẫn thu hút người tới xem bởi một đoàn 7 xe ô tô của nhà trai đến đón dâu. Bà cho hay, vì lượng khách quá nhiều nên khách của bố, của mẹ và của cô dâu được chia ra, tổ chức 3 ngày liền nhau. Tuy nhiên, bà không thể nhớ được số lượng mâm cỗ đã làm để tiếp đón các quan khách, bà chỉ nhớ những ngày ấy, căn biệt thự lúc nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào.
Quà hồi môn bố mẹ bà Mô tặng cho con gái là một hộp chứa đầy trang sức vàng, gia đình nhà trai cũng tặng cho con dâu một lượng vòng, kiềng, nhẫn vàng. Mỗi ngày tiệc, bà mặc một mẫu áo dài khác nhau. Trong ngày cưới chính, bà mặc áo dài gấm, chân đi giày cao gót, được trang điểm cầu kì. Tuy nhiên, những tấm ảnh chụp ngày cưới của bà đã thất lạc từ lâu...
Bên trong căn biệt thự 800 m2 phố Hàng Bè
Trao đổi với PV báo Dân trí, cô Lê Thanh Thủy, con gái bà Mô, căn biệt thự được xây dựng vào năm 1925. Sau năm 1950, cụ Vọng và những người con khác đi tản cư nơi khác, trao trách nhiệm giữ gìn biệt thự cổ cho bà Mô. "4 - 5 thế hệ chúng tôi đã cùng sinh ra và lớn lên tại căn biệt thự này. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều kỷ niệm, những dấu mốc thăng trầm của cả gia đình, nên với các thành viên đó là vô giá. Vì thế, có người trả giá cả vài trăm tỷ nhưng chúng tôi không đồng ý sang nhượng", cô Thủy tiết lộ.
Công trình kiến trúc của biệt thự cổ do một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp thiết kế và được xây dựng miệt mài trong suốt 1 năm bởi một đội ngũ công nhân lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Điểm nhấn trong căn biệt thự này là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết "Đào – Cúc – Trúc – Mai" mang ý nghĩa may mắn và giàu sang.
Tuy đã xây dựng cách đây cả trăm năm nhưng thiết kế của căn biệt thự đã khá hiện đại, bao gồm đủ phòng ngủ khép kín cho từng thành viên trong gia đình, phòng dành cho khách, phòng ăn, phòng cho người ở. "Tất cả các phòng được thiết kế kết nối với nhau, tạo thành một thể thống nhất. Theo lời các cụ kể lại, việc thiết kế này nhằm tạo ra sự kết nối với gia đình, để mọi người yêu thương và tương trợ lẫn nhau", cô Thủy bày tỏ trên Saostar.
Nội thất từng căn phòng đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hong Kong, làm từ gỗ quý, chủ yếu là gỗ lim. Được biết, giá trị của một bộ bàn ghế – tủ phấn nhập khẩu thời điểm đó có thể bằng một ngôi nhà cỡ nhỏ.
Căn biệt thự từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt Nam như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai... Trải qua nhiều biến động của lịch sử, hiện gia đình bà Mô chỉ quản lý phần diện tích hơn 200 m2, các thế hệ vẫn sinh sống vui vẻ cùng nhau.
Ảnh: Saostar, Vietnamnet.