Bến phà lịch sử
Phà Rừng - một trong những tuyến phà dài nhất miền Bắc, với vai trò kết nối hai bên bờ sông Đá Bạch, là phương tiện chính trong việc vận chuyển người và xe cộ giữa TX Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh và huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1979, qua gần 50 năm hoạt động với nhiều thay đổi từ đò gỗ chèo tay đến phà gỗ và cuối cùng là phà sắt, nay Phà Rừng sắp kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình khi cầu Bến Rừng dự kiến được thông xe kỹ thuật trong tháng 5 này.
Tuyến phà Rừng, với chiều dài hơn 900m bắc qua sông Đá Bạch, hàng ngày chuyên chở hơn 1.000 người và phương tiện, phần lớn là công nhân từ Quảng Ninh tới các khu công nghiệp ở Hải Phòng.
Trong ký ức của người dân Quảng Yên và Thủy Nguyên, tuyến phà này không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng tự hào của ngành giao thông vận tải Quảng Ninh, có vai trò quan trọng trong việc duy trì giao thông trên tuyến Quốc lộ 10. Phà Rừng đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Quảng Ninh và Hải Phòng so với việc đi đường Quốc lộ 10.
Tuy nhiên, từ khi cầu Đá Bạc được xây dựng và tuyến Quốc lộ 10 được điều chỉnh, lượng người và phương tiện qua phà đã giảm đáng kể. Gần đây, do thiếu đầu tư cải tạo và nâng cấp, cả bến và phà đều đã xuống cấp trầm trọng.
Các phương tiện hoạt động tại đây, bao gồm 3 phà không tự hành, 2 đò khách và 3 ca nô lai dắt, đều thuộc sở hữu của Nhà nước và có tuổi thọ hàng chục năm.
Những chuyến qua sông cuối cùng
Mặc dù rất vui mừng vì chuẩn bị được đi trên cây cầu mới, rút ngắn thời gian và thuận tiện hơn nhưng những người dân gắn bó với Phà Rừng vẫn rất hoài niệm về những đóng góp của tuyến phà đối với cuộc sống mưu sinh của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Anh Đoàn Văn Mạnh, tiểu thương hiện vẫn hàng ngày chở hàng hóa từ tỉnh Hải Dương ra Quảng Ninh qua bến phà này, cho báo Qảng Ninh hay sẽ rất nhớ về Phà Rừng như một phần ký ức. Xin được cảm ơn những người cán bộ công nhân tại đây đã cống hiến suốt 50 năm để nhân dân có điều kiện giao thương, đi lại.
Làm việc ở phà Rừng hơn 10 năm, ông Phạm Văn Chiến (52 tuổi, lái tàu lai dắt) cho biết trên Vietnamnet rằng, mỗi ngày ông vận chuyển được hơn 20 lượt phà, với mỗi lượt chở khoảng 100 hành khách cùng với xe máy và ô tô suốt từ 4 giờ 30 sáng đến 8 giờ 30 tối.
Suốt những năm tháng gắn bó, ông Chiến đã điều khiển hàng ngàn chuyến phà an toàn, không một tai nạn nào xảy ra. Khi nghe thông tin tuyến phà sẽ sớm ngừng hoạt động, ông Chiến vui buồn lẫn lộn. Vui vì người dân sẽ có một cây cầu mới thuận lợi cho đi lại, nhưng cũng buồn vì công việc đã gắn bó bấy lâu nay sắp không còn nữa.
Theo Sở GTVT Quảng Ninh, khi cầu Bến Rừng được đưa vào sử dụng trong tháng 5, tuyến phà Rừng sẽ chính thức ngừng hoạt động. 20 nhân viên phục vụ tại phà Rừng sẽ được bố trí công việc mới sau khi tuyến phà không hoạt động nữa.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thơ (bán tạp hoá gần Phà Rừng) thì cho tờ Người đưa tin hay: “Nhận được thông tin dịp 30/4-1/5 tới, khi cầu Bến Rừng hoàn thành, Bến phà Rừng sẽ đóng cửa. Mặc dù sẽ phải đóng cửa quán nước để chuyển công việc khác, nhưng tôi vui vẻ vì cây cầu mới sẽ tạo điều kiện cho quê hương phát triển”.
Công trình cầu Bến Rừng, một công trình giao thông đặc biệt quan trọng được Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt vào ngày 22/12/ 2020, có tổng kinh phí lên đến 1.941 tỷ đồng.
Cầu Bến Rừng sẽ được xây dựng ở vị trí cách phà Rừng hiện hành khoảng 3,7km theo hướng thượng lưu, nằm ở phía Hải Phòng thuộc xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, cách cầu sông Chanh khoảng 4,3km và cách quốc lộ 18 khoảng 6,4km.
Đây là chiếc cầu thứ ba nối liền tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, sau cầu Đá Bạc và cầu Bạch Đằng. Việc hoàn thành cầu Bến Rừng sẽ giúp cư dân thị xã Quảng Yên và huyện Thủy Nguyên di chuyển một cách nhanh chóng mà không cần phải đợi phà Rừng trong 30-60 phút hoặc đi vòng 40km đến Quốc lộ 18, rồi lại tiếp tục đến Quốc lộ 10 như trước đây.
Công trình cầu Bến Rừng khi hoàn thành sẽ trở thành động lực mới cho sự liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai địa phương và thu hút lao động cho các khu công nghiệp.
Tổng hợp