Biểu tình lớn ở Minsk đòi Tổng thống từ chức
Ông Lukashenko ngày 23/8 đã đến phủ tổng thống tại Minsk bằng trực thăng, bay qua đám đông người biểu tình.
Trong đoạn video đăng tải trên kênh Telegram The Pul Pervogo thân cận với văn phòng báo chí của ông Lukashenko, Tổng thống được nhìn thấy mặc áo giáp chống đạn và cầm một khẩu súng trường AK.
Hãng RT (Nga) cho hay, trong một video, ông Lukashenko được nhìn thấy ngồi trong máy bay trực thăng bay trên bầu trời thủ đô Minsk và trao đổi với phi công qua bộ đàm.
Đoạn video trong trực thăng cho thấy Tổng thống Belarus ra lệnh cho phi công bay gần hơn đến một con phố, nhằm quan sát rõ hơn cuộc biểu tình diễn ra bên dưới. Vũ khí của ông Lukashenko được nhìn thấy ở bên cạnh ông trong suốt hành trình.
"Họ chạy như chuột," ông Lukashenko nói trong video, được cho là đề cập những người biểu tình dưới đường.
Trực thăng của ông Lukashenko hạ cánh trong khuôn viên phủ tổng thống, nơi ông cầm súng trường bước xuống, song đáng chú ý là khẩu súng không có băng đạn.
Trước đó, người biểu tình đối lập được cho là đã tiếp cận tư gia của Tổng thống, địa điểm được cảnh sát chống bạo động bảo vệ nghiêm ngặt - theo Sputnik News (Nga).
[VIDEO] Tổng thống Belarus Lukashenko mang súng trường khi đáp xuống phủ tổng thống ở Minsk, ngày 23/8/2020
Moscow Times cho hay, ông Lukashenko ngày 22/8 yêu cầu quân đội Belarus đặt trong trạng thái sẵn sàng ứng chiến, giữa bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/8 mà ông đã thắng cử nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp.
Cảnh sát chống bạo động cũng được triển khai để kiểm soát các cuộc tuần hành nổ ra trong hai tuần qua. Tuy nhiên, người biểu tình dường như đã "tự tan rã" trong sự kiện tối ngày 23 do trời mưa, mà không có đụng độ với cảnh sát. Trước đó đám đông mang cờ đỏ-trắng đã đổ về Quảng trường Độc lập ở Minsk và hô to các khẩu hiệu đòi "tự do" trong khi tuần hành.
Nhà chức trách Belarus cảnh báo người dân không tham gia vào "các cuộc tuần hành trái phép", trong khi truyền thông trong nước đăng tải hình ảnh vòi rồng cùng cảnh sát chống bạo động mang khiên di chuyển tới Quảng trường Độc lập.
Bộ Quốc phòng Belarus nói rằng sẽ can thiệp vào các cuộc biểu tình để bảo vệ Đài tưởng niệm Thế chiến II thiêng liêng. Một số ga tàu điện ngầm ở Minsk cũng bị đóng cửa.
Theo truyền thông ủng hộ phe đối lập ở Belarus, hơn 100.000 người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô trong hai ngày Chủ nhật liên tiếp, và các cuộc thị uy nhỏ hơn được ghi nhận ở địa phương.
Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần trước tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử ở Belarus và đe dọa trừng phạt nước này, với cáo buộc gian lận phiếu bầu.
Nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell nói sẽ không cho phép Belarus trở thành "Ukraine thứ hai". Ông nhấn mạnh cần phải xử lý vấn đề với Tổng thống Lukashenko, nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở châu Âu.
Theo Moscow Times, cơ quan tư pháp chính phủ Belarus đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào ý định tìm kiếm cuộc bầu cử mới của Hội đồng điều phối thuộc phe đối lập, sau khi ông Lukashenko cáo buộc các đối thủ tìm cách "chiếm quyền".
Ông Lukashenko thị sát quân đội (Ảnh: REUTERS / BelTA)
Ông Lukashenko nói đất nước gặp nguy hiểm
Trong chuyến thị sát quân đội ngày 22/8 gần biên giới với EU, Tổng thống Lukashenko cảnh báo lực lượng khối NATO "đang khuấy động" các nước láng giềng của Belarus.
"Đất nước đang gặp nguy hiểm. Chúng ta không thể xem thường," ông Lukashenko nói.
Quân đội Belarus sẽ tổ chức tập trận quy mô lớn ở biên giới với EU trong thời gian 28-31/8 tới.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đáp trả rằng Lukashenko tìm cách "đánh lạc hướng chú ý" khỏi những bất ổn trong nước, còn NATO gọi các cáo buộc của ông là vô căn cứ.
Thủ lĩnh phe đối lập Svetlana Tikhanovskaya, người thua cuộc trong bầu cử ngày 9/8 và đã tới thủ đô Vilnius của Lithuania, tuyên bố thách thức ông Lukashenko, đồng thời khẳng định bản thân thắng cử.
Trả lời phỏng vấn hãng AFP hôm 22, bà này thúc giục người biểu tình tiếp tục gây sức ép tại Belarus.
Các đối thủ của ông Lukashenko đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong lịch sử nước này những năm gần đây.
Đồng minh thân cận của Belarus là Nga cảnh báo các lãnh đạo EU không can thiệp vào tình hình nước này, cũng như bỏ ngỏ khả năng Kremlin ra tay can thiệp trong tình huống cần thiết.
Trong tuần tới, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun sẽ có chuyến công du Lithuania, bên cạnh điểm dừng chân ở Nga, nhằm trao đổi về tình hình Belarus hậu bầu cử.
Phát biểu tại một diễn đàn ngày 23/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề cập các cuộc biểu tình hậu bầu cử ở Belarus.
Ông nói rằng "người dân Belarus sẽ tự mình quyết định phải thoát ra khỏi tình huống hiện nay như thế nào", bổ sung rằng có những "dấu hiệu rõ rệt" cho thấy tình hình ở Belarus đang được "ổn định".
"Đồng thời, tôi hiểu rằng không phải ai cũng thích điều đó và có những người muốn diễn biến ôn hòa, bình thường của những sự kiện tại Belarus phát triển thành bạo lực, đổ máu và biến thành một kịch bản Ukraine thứ hai," ông nói, đề cập sự kiện Maidan vào tháng 2/2014 tại Kiev khiến Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus