Beckham, Giggs sẽ không "có đất dung thân" trong bóng đá hiện đại

Blog bóng đá Việt Cường |

Nếu vẫn còn thi đấu, những Beckham, Giggs có thể sẽ phải dự bị dài dài.

Những tiền vệ cánh truyền thống như Jesus Navas, Antonio Valencia… đang trở thành một "giống loài" cần được bảo vệ đặc biệt trong thế giới bóng đá.

Họ thực sự sắp "tuyệt chủng" trước sức tấn công mạnh mẽ của những giống loài ưu việt hơn mà sự thống trị của "chúng" là một xu thế không cưỡng lại nổi: Những tiền vệ cánh trái kèo!

"Truyền thống" vs "Trái kèo"

Hãy bắt đầu từ những khái niệm. Thế nào là một tiền vệ cánh truyền thống (tradditional winger)?

Thế nào là một tiền vệ cánh trái kèo (tiếng Anh là inverted winger)? Và sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai khái niệm này là gì?

Tiền vệ cánh truyền thống là những người mà nhiệm vụ được gói gọn ở mấy chữ đơn giản: Xuống biên và tạt vào cho các tiền đạo.

Họ là những người chơi bám biên, thường xuất hiện ở sát đường biên dọc nhất có thể để mở rộng biên độ trong lối chơi của đội bóng, và chỉ di chuyển vào trong khi cần tạo ra khoảng trống cho các hậu vệ cánh thực hiện những pha chồng biên.

Cách chơi của các tiền vệ cánh truyền thống khá đơn giản. Họ sẽ dùng tốc độ để đánh bại hậu vệ biên của đối phương, rồi tạt nhanh vào vòng cấm cho tiền đạo của mình.

Các tiền vệ cánh truyền thống, do đó, thường không phải là những người khéo léo nhất, nhưng thường là những người nhanh nhất, bền bỉ nhất, và tất nhiên, có khả năng tạt bóng chính xác nhất.

Những tiền vệ cánh truyền thống điển hình nhất là Jesus Navas ở Man City, và Antonio Valencia ở Man United.

Đấy là những người mà khi họ có bóng, bạn có nhắm mắt lại cũng có thể nói được họ sẽ làm gì tiếp theo: Gạt/đẩy bóng lên phía trước, bứt tốc, và tạt.

Tiền vệ cánh trái kèo, ngược lại, không cần thiết phải là những người nhanh nhất. Nhưng đó phải là những người khéo léo bậc nhất.

Trong cách chơi của mình, họ không thường sử dụng tốc độ để đẩy bóng qua hậu vệ đối phương, mà thường ngoặt vào giữa, rồi tùy tình hình mà đưa ra quyết định tiếp theo.

Có thể là sút, có thể là tiếp tục đi bóng tới khi có cơ hội phối hợp với những cầu thủ khác, cũng có thể là thực hiện một pha chọc khe cho tiền đạo.

Vì cách chơi như thế, tiền vệ cánh trái kèo là những người chơi… trái kèo: Người thuận chân phải thì đá bên cánh trái, và ngược lại.

Arjen Robben có thể xem là một trong những cầu thủ đầu tiên đưa vị thế của những cầu thủ trái kèo lên một tầm cao mới.

Bây giờ thì nhìn đâu bạn cũng có thể thấy những cầu thủ như anh: Ronaldo, Bale ở Real, Messi, Neymar ở Barca, Hazard ở Chelsea, hay Mahrez, McAlbrighton ở Leicester!

"Cái chết" của truyền thống

Trong mọi cuốn sách viết về bóng đá, tạt bóng (và chuyền dài, câu bổng nói chung) luôn được xem là cách nhanh nhất để đưa bóng vào vòng cấm.

Và người Anh, vốn bị đánh giá là "chậm thích nghi với các xu hướng chiến thuật" (có thể do bảo thủ, cũng có thể do vị trí địa lý cách biệt với lục địa của họ), là những người bị ám ảnh nhất với những quả tạt.

Từ thuở sơ khai, khi các đội đều đá với sơ đồ 2-3-5 (kim tự tháp, với 2 cầu thủ chạy cánh… mỗi bên trên hàng công), qua những năm 50 của thế kỷ trước, khi Anh có những tiền vệ cánh siêu đẳng như Stanley Matthews (sau được phong Sir) hay Tom Finney, cho tới tận những năm 2000, bóng đá Anh vẫn được "định nghĩa" bằng chất lượng của những quả tạt.

Mùa giải 1994/95, Blackburn lên ngôi vô địch Premier League bằng những quả tạt. 40 trong tổng số 88 bàn thắng mà họ ghi được trên mọi đấu trường mùa đó xuất phát từ những pha đưa bóng vào từ biên.

Ở thời kỳ thống trị Premier League, Man United cũng luôn sở hữu những cầu thủ chạy cánh truyền thống xuất sắc, mà đỉnh cao là cặp Giggs-Beckham.

Các bàn thắng trong mùa giải Blackburn vô địch Premier League

Nhưng quả bóng tròn phải lăn và thế giới bóng đá phải không ngừng vận động. Vì những lý do mà chúng ta sẽ bàn dưới đây, những quả tạt không còn được xem là một vũ khí tấn công hiệu quả nữa.

Thống kê cho thấy trung bình chỉ 1/92 quả tạt là dẫn tới bàn thắng (nghĩa là nếu tất cả các đội ở 4 hạng cao nhất của bóng đá Anh cùng tạt thì chỉ có 1 đội ghi bàn). Và trong 92 quả tạt ấy, có tới 73 quả không tìm tới đích.

Nghĩa là 4/5 số những quả tạt dẫn tới việc đối phương giành lại hoặc có cơ hội tốt để giành lại quyền kiểm soát bóng.

Ở thời kỳ mà hầu hết các đội bóng đều bị ám ảnh bởi chuyện kiểm soát, thì tỉ lệ mất bóng như thế có thể xem là một thảm họa.

Một nghiên cứu khác khẳng định khu vực tấn công hiệu quả nhất không còn nằm ở 2 cánh, mà là một khu vực ngay trước cầu môn gọi là "zone 14".

Tỉ lệ dẫn tới bàn thắng của những đường chuyền hay cú sút được thực hiện ở khu vực này là cao hơn hẳn so với phần còn lại.

Beckham, Giggs sẽ không có đất dung thân trong bóng đá hiện đại - Ảnh 2.

Đội bóng đầu tiên khai thác hiệu quả zone 14 chính là Pháp ở World Cup 1998.

Từ thành công của Les Bleus, các cầu thủ được khuyến khích đưa bóng vào hay di chuyển vào zone 14, thay vì thực hiện những đường chuyền ra hai cánh.

Thời của trái kèo

Cái chết của những tiền vệ cánh truyền thống là cái chết đã được báo trước từ lâu, và nó gắn liền với thay đổi chiến thuật quan trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thay vì sử dụng 2 trung phong, trong đó có ít nhất 1 người thuộc mẫu cổ điển (nghĩa là to lớn và chơi đầu tốt), các đội bóng chuyển sang chơi với sơ đồ 1 tiền đạo (4-2-3-1 hay 4-3-3 thì cũng chỉ có 1 người chơi cao nhất).

Và vì phải hoạt động độc lập nhiều, các tiền đạo phải thay đổi theo hướng toàn năng hơn, di chuyển nhiều hơn, cầm bóng tốt hơn, chuyền bóng chính xác hơn. Những "máy ủi" phải chết. Và những kẻ tiếp đạn cho máy ủi cũng phải chết theo.

Khi các tiền đạo phải làm nhiều việc hơn, họ cần thêm người san sẻ trọng trách ghi bàn. Yêu cầu đó dẫn tới sự xuất hiện của một thế hệ cầu thủ chạy cánh kiểu mới.

Những người rất ít tạt, tạt kém, thậm chí không thèm tạt, nhưng rất mạnh trong những tình huống 1 đấu 1, có thể dứt điểm như một tiền đạo, trong khi lại phải sở hữu kỹ năng quan sát và chuyền bóng như một số 10.

Bàn thắng của Martial vào lưới Liverpool

Một cầu thủ chơi đúng cánh thuận sẽ rất khó làm được như thế (khi một cầu thủ thuận chuân phải di chuyển từ cánh phải vào giữa, tư thế và vị trí cơ thể của anh ta không thích hợp để sút hay chuyền). Trái kèo lên ngôi!

Hãy nhìn vào những đội bóng hàng đầu ở châu Âu và bạn sẽ thấy sử dụng cầu thủ chạy cánh trái kèo là xu thế chủ đạo, và những cầu thủ chạy cánh trái kèo thường là những cầu thủ quan trọng nhất đội.

Ronaldo, Bale ở Real Madrid. Messi, Neymar ở Barca. Robben, Ribery, Costa ở Bayern. Martial ở M.U. Mahrez ở Leicester. Eriksen, Lamela ở Tottenham. Hazard ở Chelsea. Và rất nhiều ví dụ khác…

Tại sao phải trái kèo?

Sử dụng những cầu thủ chạy cánh trái kèo mang lại những lợi ích sau:

+ Các cầu thủ trái kèo là một nguồn bàn thắng khá ổn định, vì khi di chuyển vào giữa, họ tự đặt mình vào tư thế tốt nhất để sút.

+ Phạm vi hoạt động của họ là khu vực giữa hậu vệ biên và trung vệ của đối phương. Đó thường là khu vực dễ tổn thương nhất của một hệ thống phòng ngự.

+ Các cầu thủ trái kèo khi di chuyển vào giữa sẽ giúp các tiền đạo bớt cảm thấy "cô đơn" hơn.

Ngoài ra, như đã nói, việc không sử dụng các cầu thủ chạy cánh truyền thống là một xu thế tất yếu.

Cơ hội để một cầu thủ chỉ biết chạy và tạt như Navas chiến thắng trong những cuộc đấu 1vs1 với các hậu vệ biên là rất thấp.

Đơn giản vì bây giờ, các hậu vệ biên mới chính là những người có "chất VĐV" nhất trên sân. Họ nhanh hơn, khỏe hơn, mạnh mẽ hơn.

Cố gắng đua sức với họ thì cũng giống như húc đầu vào đá vậy. Chưa kể các hậu vệ này lại thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ các tiền vệ biên lùi về.

Hãy cùng đặt ra 2 tình huống giả định để cho thấy lợi ích của việc sử dụng tiền vệ cánh trái kèo so với tiền vệ cánh truyền thống.

Ở tình huống 1, cầu thủ chạy cánh trái truyền thống (LW) đang cố gắng tấn công vào cánh phải của đối thủ với sự hỗ trợ của hậu vệ cánh trái (LB) đang băng lên. Trước mặt họ chính là bộ đôi chạy cánh trái của đối phương (RW và RB).

Beckham, Giggs sẽ không có đất dung thân trong bóng đá hiện đại - Ảnh 4.

Điều mà chúng ta có thể thấy rõ từ sơ đồ trên là LW có rất ít lựa chọn. Nếu anh ta cố đi bóng, RB của đối phương sẽ đi theo, với sự yểm trợ của RW.

Nếu anh ta chuyền bóng cho LB, thì trung vệ (CB) hoặc tiền vệ phòng ngự (CDM) của đối phương sẽ lập tức có mặt để can thiệp. Kể cả khi LW đánh bại được RB, thì anh ta sẽ còn phải đối phó với CB, trong lúc RB đang trở lại vị trí.

Ở tình huống 2, bối cảnh tương tự, nhưng LW thay vì cầu thủ chạy cánh trái truyền thống sẽ là một cầu thủ chạy cánh trái kèo.

Beckham, Giggs sẽ không có đất dung thân trong bóng đá hiện đại - Ảnh 5.

Khi LW cắt vào giữa, điều tự nhiên là RB và RW của đối phương sẽ bám sát anh ta. Khi đó, LB sẽ có đủ không gian và thời gian để đặt anh ta vào vị trí thoải mái nhất cho một quả tạt, thậm chí anh ta còn có thể xâm nhập vòng cấm và dứt điểm.

Trong trường hợp RB cảnh giác và không theo quá sát, trung vệ gần anh ta nhất (CB) và có thể cả tiền vệ phòng ngự (CDM) sẽ phải rời vị trí.

LW lúc đó có thể chuyền bóng cho tiền vệ công của mình (CAM), hoặc nếu thuận lợi hơn, chọc khe cho tiền đạo (ST).

Beckham, Giggs sẽ không có đất dung thân trong bóng đá hiện đại - Ảnh 6.

Trong sơ đồ trên, bạn sẽ thấy một LW trái kèo khi đi vào giữa có nhiều lựa chọn tới thế nào. Anh ta có thể sút bóng, chuyền ngang cho CAM, chọc khe cho ST hoặc bấm bóng cho RW đã xâm nhập vòng cấm ở phía đối diện.

Chưa kể anh ta vẫn có thể chuyền bóng cho LB. Điều dễ thấy là LW không cô đơn.

Tạm kết

Thịnh suy là lẽ tự nhiên ở đời. Những cầu thủ chạy cánh truyền thống đã có một thời oanh liệt, nhưng điều kiện hiện thời không còn ủng hộ họ nữa.

Hoặc là họ phải tự thay đổi, bằng cách làm quen với kiểu đá trái kèo (Aaron Lennon chẳng hạn, bỗng dưng ghi nhiều bàn hơn!), hay chơi ở vị trí khác (ví dụ Valencia về đá… hậu vệ phải ở M.U). Hoặc là họ phải phải chịu cảnh "tuyệt diệt".

Cũng có thể, đến một lúc nào đó, khi các đội bóng đều có cách chống lại các cầu thủ chạy cánh trái kèo, thì các HLV lại cần tới những cầu thủ chạy cánh truyền thống.

Thực tế thì trong trận lượt đi trước Atletico ở Champions League, HLV Guardiola của Bayern đã xếp các tiền vệ biên của ông chơi theo kiểu truyền thống (Costa bên trái, Coman bên phải), vì ông cho rằng chỉ có cách đó mới kéo giãn được hàng thủ cô đặc của Atletico.

Đó có thể xem là một tia hi vọng cho Jesus Navas. Trái với những gì những kẻ gở mồm đang rêu rao, anh vẫn còn cơ hội ở lại Man City. Tất nhiên, dưới danh nghĩa một "phương án phụ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại