Bé trai toàn thân chốc lở, mưng mủ, đóng vẩy do thói quen triệu bà mẹ vẫn làm mỗi ngày

N. Huyền |

Theo người nhà kể lại, trẻ mới đầu bị mụn nổi vài nơi trên cơ thể như mặt và chân tay, gia đình tự tắm nước lá cây và nước muối cho trẻ tại nhà nhưng không đỡ mới đến viện.

Bé trai toàn thân chốc lở,, mưng mủ, đóng vẩy do thói quen triệu bà mẹ vẫn làm mỗi ngày (ảnh BVCC)

Bé trai toàn thân chốc lở,, mưng mủ, đóng vẩy do thói quen triệu bà mẹ vẫn làm mỗi ngày (ảnh BVCC)

Ngày 5/7, Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhi H.Q.K (4 tuổi) trú tại TP Cao Bằng đến khám trong tình trạng da trẻ nổi mụn nước kèm theo ngứa nhiều nơi, tại nhiều vị trí trên cơ thể. Đặc biệt, các nốt mụn vỡ ra, kéo vảy nham nhở khắp mặt trẻ, có những nốt đã bị bội nhiễm, mưng mủ.


Theo người nhà kể lại, trẻ mới đầu bị mụn nổi vài nơi trên cơ thể như mặt và chân tay, gia đình tự tắm nước lá cây và nước muối cho trẻ tại nhà nhưng không đỡ bệnh càng nặng thêm mới đưa trẻ đến viện khám. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết được bác sĩ chẩn đoán là bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ nhỏ.

Theo các bác sĩ da liễu, bệnh chốc lở là một tình trạng nhiễm trùng nông ở ngoài da gây ra bởi vi khuẩn. Bệnh chốc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi đối tượng nhưng thường gặp ở trẻ em, bé trai nhiều hơn bé gái. Ở người lớn, có thương tổn chốc khi miễn dịch kém.

Bệnh có thể gặp ở bất kì vùng da nào trên cơ thể nhưng thường xuất hiện ở mặt, mép môi, tay chân và da đầu. Bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở những nơi thiếu vệ sinh, dân cư đông. Chốc hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da.

Chia sẻ với phóng viên Infonet, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do bố mẹ đã chăm sóc trẻ không đúng cách.

“Phần lớn trẻ bị chốc lở do vệ sinh kém nên các vi trùng có sẵn trên da sẽ gây bệnh. Nếu để tình trạng này nặng lên có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.

Ông cho biết thêm, bệnh để lâu không chữa dứt điểm có thể biến chứng viêm cầu thận cấp rồi chuyển mạn tính và suy thận.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng hướng dẫn cách chăm sóc ở nhà để trẻ nhanh lành và ngăn ngừa lây lan nhiễm trùng bằng cách nên che vết chốc lại để giúp cho các chất dịch từ bóng nước không thể lây lan vi khuẩn sang các phần các của cơ thể và người tiếp xúc với trẻ.

Cho trẻ mặc quần áo vừa thoải mái, thoáng mát. Cắt móng tay thường xuyên cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng khi trẻ gãi, đồng thời hạn chế tổn thương da và gây vỡ bóng nước.

Đối với trẻ nhỏ thì không mặc tã, đặc biệt bố mẹ cần thường thường xuyên rửa tay cho trẻ với chất diệt khuẩn an toàn để ngăn ngừa sự tích tụ của khuẩn liên cầu và tụ cầu; rửa vệ sinh vết loét một lần mỗi ngày với nước ấm. Bố mẹ cũng nên giặt riêng đồ của trẻ và để trẻ ở trong nhà.

“Các bậc phụ huynh không chủ quan với những nốt mụn, những bệnh tưởng chỉ ngoài da là “đơn giản” với trẻ. Để phòng ngừa bố mẹ cần tắm xà phòng diệt khuẩn, không tắm lá cho trẻ.

Trong trường hợp con đã bị bệnh thì không tắm trẻ trong chậu nước tránh lây ra khắp cơ thể của trẻ mà có thể dùng vòi sen, gáo nước dội”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Đồng tình với điều này, TS. BS Nguyễn Minh Quang, PGĐ BV Da liễu Hà Nội cũng lưu ý, để phòng tránh chốc lây nói riêng và các bệnh da liễu ở trẻ em nói chung thì cần phải có biện pháp dự phòng.

Theo đó, cha mẹ nên để trẻ được vui chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Vào mùa hè nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi. Người lớn cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và nơi vui chơi của trẻ, tránh bụi, tránh chơi gần các vật cứng nhọn và nơi gần vật nuôi, tránh côn trùng; đảm bảo cho trẻ uống đủ nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh; hạn chế đến những nơi thiếu ánh sáng dễ bị côn trùng đốt và khi phát hiện bệnh thì phải điều trị ngay, đề phòng lây lan và biến chứng.

Những nguy cơ dễ bị mắc bệnh:

Nguyên nhân chính gây nên bệnh chốc là do vi khuẩn có tên là tụ cầu vàng hay liên cầu gây ra tùy vào thể mắc bệnh.

Một số yếu tố tạo điều kiện cho người bệnh dễ mắc bệnh hơn bao gồm:

- Điều kiện vệ sinh: Môi trường sống không sạch sẽ, sống ở nơi đông đúc, vệ sinh kém sẽ tạo điều kiện dễ mắc bệnh hơn.

- Tổn thương da: Khi một cá nhân đã bị tổn thương da trước đó như thủy đậu, bỏng, viêm da, vết đốt do côn trùng… sẽ dễ bị bệnh chốc hơn.

- Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm cũng tạo điều kiện để khởi phát bệnh chốc. Trường hợp mắc bệnh chốc do hệ miễn dịch bị suy yếu thường hay xảy ra ở người lớn tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại