Bé trai nguy kịch vì bà ngoại cho uống hạ sốt quá liều, bác sĩ chia sẻ cách dùng thuốc đúng

Thảo Hương |

Do không được hướng dẫn kỹ nên khi cháu sốt cao, cứ cách 1 giờ bà lại cho cháu sử dụng thuốc hạ sốt.

Nguy hiểm khi dùng thuốc hạ sốt quá liều

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, mới đây, đơn vị đã cấp cứu thành công cho một bé trai 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch, men gan cao gấp 300 lần bình thường do uống Paracetamol (thuốc hạ sốt) quá liều.

Theo lời bà ngoại, do bé bị sốt nên bà đã tự mua thuốc ở hiệu gần nhà cho cháu uống. Do không được hướng dẫn kỹ nên khi cháu sốt cao, cứ cách 1 giờ bà lại cho cháu sử dụng thuốc gồm cả thuốc dạng viên, dạng gói và dạng đặt.

Dùng thuốc liên tục trong 2 ngày, bé trai bắt đầu rơi vào trạng thái bỏ ăn, hôn mê, suy hô hấp... Gia đình lúc này mới đưa cháu đến viện.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp kết hợp truyền thuốc, huyết tương tươi đông lạnh để điều chỉnh rối loạn đông máu và các biện pháp hỗ trợ khác.

Nhờ điều trị tích cực nên tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, ăn uống trở lại, men gan từ từ hạ, chức năng gan trở lại bình thường và được xuất viện sau đó 1 tuần.

Khi nào trẻ mới cần uống hạ sốt?

Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Minh Đạt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược, nhiệt độ bình thường của cơ thể trẻ khoảng 36,5 đến 37,5 độ C. Và nhiệt độ cơ thể trẻ có thể dao động trong ngày khoảng 0,5 độ C. Thường thì vào buổi sáng, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ thấp hơn bình thường. Khi mẹ đo nhiệt độ cơ thể của bé mà dao động khoảng 36,7 đến 38,5 độ C thì đây chưa gọi là sốt, chỉ gọi là tăng thân nhiệt mà thôi.

"Hạ sốt chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, giúp cho đứa trẻ đó cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Chúng ta biết rằng khi trẻ sốt quá cao con sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, có những đứa trẻ có biểu hiện co giật rất nguy hiểm. Trong những trường hợp sốt cao như vậy chúng ta mới cần xử lý. Thông thường trẻ sốt từ 38,5 độ C đến 39 độ C mà vẫn tỉnh, chơi và ăn ngủ bình thường, con chỉ mệt một chút khi sốt thì mẹ cũng chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt ngay cho bé. Khi trẻ sốt trên 39 độ C chúng ta mới cần có sự can thiệp để bé hạ sốt. Đây là hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ" - Dược sĩ Trương Minh Đạt cho biết.

Liều dùng phải chính xác theo độ tuổi để đảm bảo an toàn cho con

- Với Paracetamol có rất nhiều tên thuốc khác nhau: Hapacol (hoạt chất Paracetamol), Decolgen (hoạt chất Paracetamol, Chlopheniramin), Efferalgan (hoạt chất Paracetamol), Tiffy (Paracetamol, Chlorpheniramine, Phenylpropanolamine), viên đặt hậu môn...

Liều dùng: 10-15mg/kg cân nặng/lần dùng, cứ 4 - 6h dùng 1 lần nếu bé sốt, không dùng quá 4 lần/ngày. Các nhà sản xuất khuyến cáo liều như sau, khi mình không biết chính xác cân nặng của con, các bạn tham khảo thêm.

+ 2,7-5,3 kg: 0-3 tháng: 40 mg/lần.

+ 5,4-8,1 kg: 4-11 tháng: 80 mg/lần.

+ 8,2-10,8 kg: 1-2 tuổi: 120 mg/lần.

+ 10,9-16,3 kg: 2-3 tuổi: 160 mg/lần.

+ 16,4-21,7 kg: 4-5 tuổi: 240 mg/lần.

+ 21,8-27,2 kg: 6-8 tuổi: 320 mg/lần.

+ 27,3-32,6 kg: 9-10 tuổi: 400 mg/lần.

+ 32,7-43,2 kg: 11 tuổi: 480 mg/lần.

- Với Ibuprofen: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Ibuprofen tác dụng hạ sốt nhanh và mạnh hơn paracetamol, nhưng không được khuyến cáo nếu dùng Paracetamol vẫn đáp ứng tốt.

Liều dùng: 5 - 10mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau 6-8h.

Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

- Chỉ dùng 1 loại thuốc hạ sốt trong 24 giờ đầu tiên: paracetamol, hoặc ibuprofen (ibuprofen chỉ dùng với trẻ trên 3 tháng tuổi).

- Ibuprofen không được sử dụng trong trường hợp thủy đậu (gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da nặng), sốt xuất huyết (chống kết tập tiểu cầu) và cần được sử dụng thận trọng trong trường hợp nhiễm khuẩn.

- Thuốc hạ sốt không có tác dụng ngăn ngừa cho các cơn co giật.

- Khi bé sốt quá 3 ngày cần phải cho bé đi khám vì sốt có thể biểu hiện của một bệnh nguy hiểm tiềm tàng nào đó.

- Mẹ không nên lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.

- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cho tất cả các loại thuốc.

- Nên tính trước liều của con để khi cần thì có sẵn, không lại tính nhầm.

- Không uống hai thuốc có thành phần hạ sốt cùng lúc vì có nguy cơ quá liều, một số thuốc cảm ho có sẵn thành phần hạ sốt trong đó, nếu uống thêm thuốc sốt sẽ thành uống gấp đôi (thuốc điều trị cúm, sổ mũi như: Tiffy, Tamiflu, Decolgen...).

- Tuyệt đối không uống quá liều được khuyến cáo.

- Nếu là thuốc nước, nên đo chính xác bằng dụng cụ đo lường, không nên nhắm chừng.

- Nên ghi lại liều lượng, số lần thuốc con đã uống để theo dõi.

- Thuốc nên để ngoài tầm với của con, đóng chặt nắp.

- Không cần uống ibuprofen và paracetamol cùng lúc để hạ sốt.

KẾT LUẬN: Cơ bản thuốc hạ sốt là an toàn, nếu chúng ta dùng đúng liều chỉ định. Nếu thấy bất thường hãy đưa trẻ đi khám ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại