Từ tối 8 đến sáng 9-1, Tổ Điều hành cứu hộ, cứu nạn công trình cầu Kênh Rọc Sen của UBND tỉnh Đồng Tháp đã điều cẩu 80 tấn, ống vách, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1 m, gàu múc đất cỡ lớn đến hiện trường để đẩy nhanh tốc độ nhổ trụ bê-tông lên mặt đất.
Máy móc công suất lớn được điều động từ nơi khác đến hiện trường để đây nhanh tiến độ nhổ trụ bê-tông lên khỏi mặt đất
Theo ghi nhận tại hiện trường, đội cứu hộ làm việc xuyên đêm, dùng gàu chuyên dụng múc đất trong khung vây có diện tích 4,8 x 4,8 m xung quanh trụ bê-tông ra bên ngoài với khả năng mỗi gàu múc được 0,3m3 đất.
Hệ thống cần cẩu được điều động đến hiện trường
Dự kiến trong ngày 9-1, sau công đoạn làm sạch đất, lực lượng cứu hộ sẽ đóng 2 ống vách dài 1-2 m quanh trụ bê-tông. Tiếp theo, máy khoan guồng xoắn đất giữa 2 ống vách đến khi tiếp cận đáy cọc và dùng cần cẩu nhấc trụ bê-tông lên khỏi mặt đất.
An ninh xung quanh hiện trường được thắt chặt, chỉ những người làm nhiệm vụ mới được ra vào
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã làm việc xuyên đêm nhiều ngày qua. Tuy nhiên, do địa chất nơi công trình có tầng đất sét cứng, cọc đóng sâu 35m; đồng thời hiện trường nằm sâu trong đồng ruộng nên việc di chuyển máy móc có công suất lớn đến hiện trường vụ bé trai lọt vào trụ bê-tông gặp nhiều khó khăn.
Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31-12-2022, một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 đến 12 đi vào công trường và được nhân viên bảo vệ phát hiện, đuổi ra. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, khi công nhân đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ này lại vào công trường phía mố MA không rõ mục đích.
Đến 11 giờ 55 phút, bé Thái Lý Hạo Nam (SN 2012; ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) lọt vào trong lòng trụ bê-tông D500 tại mố MA (trụ C1-MA) có đường kính ngoài 50 cm, đường kính trong 25 cm. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường.