BS Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, 1 tuần trở lại đây khoa Chấn thương liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ bị chấn thương mắt phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân đa số trường hợp xuất phát từ lối sống, sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, cũng có nhưng trường hợp bị chấn thương mắt rất hy hữu. Điển hình là trường hợp của cháu Trần Thanh Q. (8 tuổi, ở Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), nhập viện trong tình trạng mặt phù nề nhiều vết thương, mắt bị thủng, đứt tuyến lệ do bị chó tấn công.
Chị Trần Thị Lâm (mẹ cháu Q.) nhớ lại, sự việc xảy ra tối ngày 20/1, khi hai vợ chồng anh chị và cháu sang nhà bác chơi cháu thì bị chó tấn công. Do con chó rất to lớn và bị tấn công bất ngờ nên không ai kịp trở tay.
(Ảnh minh hoạ)
"Lúc đó, mặc dù bố mẹ cũng ở gần con, nhưng do sự việc diễn ra quá bất ngờ nên không ai kịp trở tay. Đến khi cứu được con ra thì vùng mặt đã bị tổn thương nặng", chị Lâm cho hay.
Được biết, con chó tấn công cháu Q. không phải là của gia đình, mà là của nhà bác gần sát nhà. Tuy nhiên, do hôm đó (20/1) con chó mới đẻ xong nên dữ tợn bất thường.
"Hàng ngày cháu vẫn sang đó chơi và đùa nghịch với nó (con chó), nhưng hôm đó nó vừa đẻ xong, con tôi lại vào ổ bế chó con ra, nên mới bị chó mẹ tấn công. Do lúc đó cháu đang ngồi nên con chó tấn công thẳng vào vùng mặt, với nhiều vết răng trên mặt và tổn thương nặng ở mắt", chị Lâm kể.
Ngay sau khi bị chó tấn công, cháu Q. được gia đình đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây cháu được tiêm huyết thanh phòng bệnh dại. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng cháu Q. được chuyển xuống BV Mắt Trung ương điều trị.
BS Hoàng Cương cho biết, khi nhập viện cháu Q. bị tổn thương nặng, phần mặt phù nề nhiều, mắt bị rách giác mạc, đứt lệ quản. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho cháu bé.
"Hiện tại, cháu đã được tiêm huyết thanh phòng dại, chúng tôi đề nghị gia đình theo dõi chặt con chó tấn công cháu bé. Còn về mắt cháu bé, hiện đã phẫu thuật nối lệ quản và đang được theo dõi tiếp", BS Cương cho hay.
Theo thông tin từ BS Cương cho biết, hiện rất nhiều trường hợp bị tổn thương mắt nhưng do sợ bố mẹ nên giấu, vì thế làm mất đi thời gian vàng để tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
"Thời gian vàng để cứu đôi mắt bị tổn thương và hạn chế được nhiễm trùng là 6 tiếng. Do đó, khi trẻ được chuyển từ tuyến dưới lên, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sớm nhất có thể", BS Cương khuyến cáo.
Để hạn chế tai nạn, thương tích ở mắt đối với trẻ nhỏ, BS Cương khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, giám sát các hoạt động của trẻ, đặc biệt không cho trẻ chơi những trò nguy hiểm, có nguy cơ gây chấn thương ở mắt.