Cậu bé P.Ravindran, 7 tuổi hiện đang sinh sống tại Ấn Độ. Tuy nhiên, một sự việc hy hữu kì lạ đã xảy ra với hàm răng của cậu bé khiến ai cũng sửng sốt.
Cậu bé được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nha khoa ở thành phố Chennai cách đây không lâu trong tình trạng đau nhức khoang miệng, hàm dưới bên phải sưng to.
Tình trạng này đã kéo dài từ năm bé 3 tuổi cho tới khi học lớp 2 thì mới được đưa đi khám.
Sau khi tiến hành chụp X-quang và CT, các bác sĩ phát hiện khoang miệng của cậu bé này giống như một chiếc túi chứa đầy răng.
Do tình trạng của cậu bé đang ở giai đoạn đầu nên chưa ảnh hưởng nhiều đến răng và các mô quanh răng.
Các bác sĩ quyết định thực hiện theo phương pháp đơn giản thông thường là gây mê sau đó phẫu thuật nhổ răng mà không cần tái tạo hàm.
Bác sĩ phẫu thuật đã mất tới 5 giờ để nhổ ra 526 chiếc răng trong miệng của cậu bé này. Mỗi chiếc răng nhỏ xíu có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 0.1mm.
Hơn 500 "chiếc răng" với đủ loại kích thước sau khi được lấy ra khỏi hàm của một cậu bé 7 tuổi
Chia sẻ với truyền thông, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật P.Senthilnathan thuộc khoa Phẫu thuật Răng hàm mặt cho hay: "Sự xuất hiện của những chiếc mầm răng giống như khối u làm cản trở sự phát triển của răng vĩnh viễn.
Kết quả chụp X-quang và CT cho thấy khoang miệng cậu bé giống như một chiếc túi chứa đầy răng. Chúng tôi mất 5 giờ để loại bỏ hết 526 chiếc răng".
Sau ca phẫu thuật, hiện tại, các răng khác của bé Ravindran vẫn phát triển bình thường, riêng răng hàm bị ảnh hưởng. Gia đình đã đề nghị cấy ghép răng hàm khi cậu bé 16 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành nghiên cứu những chiếc răng với đủ loại kích cỡ. Họ xác định đây là những khối u có tên y khoa là Odontoma ( hay còn được gọi là u răng).
Ảnh chụp X-Quang của một người bị U răng
Theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia 2014, Odontomas (u răng) là khối u lành tính bao gồm các mô răng, phần lớn các trường hợp không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được xác định thông qua chụp X-quang.
U răng thường phát triển chậm và là khối u không gây bệnh phổ biến nhất được tìm thấy trong hàm.
Tiến sĩ Pratibha Ramani, Trưởng khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Saveetha (Ấn Độ) cho biết hiện chưa xác định rõ nguyên nhân bé mọc nhiều răng nhưng có thể do di truyền.
Ông chia sẻ thêm "Môi trường sống cũng có một phần tác động. Chúng tôi đang nghiên cứu xem bức xạ từ điện thoại di động có phải là một yếu tố dẫn đến tình trạng này không".
Hình ảnh cậu bé Ranvindran cùng gia đình sau khi đã phẫu thuật thành công
*Theo Foxnews