Đây là trường hợp trẻ uống nhầm dầu hỏa đáng tiếc đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trưa 8/9, tới phòng bệnh nơi cháu bé đang điều trị, bà Trần Thị S. - bà nội của cháu kể lại: Sáng bố cháu làm máy móc xong, để dầu hỏa đựng trong chai Coca Cola nhưng không đậy nắp trong ở góc nhà. Chiều tôi trông cháu ở trong nhà, nhưng không biết có chai Coca đựng dầu ở đó.
Chỉ một loáng không chú ý, tôi đã thấy cháu đã cầm chai Coca dốc ngược lên cho vào miệng. Lúc tôi giật được chai ra thì cháu đã uống được một ngụm rồi.
Thấy cháu ho sặc sụa, tím tái, buồn nôn, khóc, bà S. bắt taxi đưa cháu tới Bệnh viện A Thái Nguyên. Bệnh viện cho cháu thở oxy rồi cháu tới Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Do tình trạng nặng nên cháu đã được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ths.BS Nguyễn Trọng Dũng đang khám cho cháu Đặng Hải Đ.
Ths.BS Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ngày 1/9 cháu được đưa vào nhập viện trong tình cảnh viêm phổi do sặc dầu, thở máy, phải hồi sức kỹ thuật cao.
Sau 2 ngày hồi sức thở máy, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tỉnh táo. Hiện tại bệnh nhân không còn phải thở oxy, tự thở, chức năng 2 phổi đã đỡ hơn, tuy nhiên vẫn còn hơi sốt và phải điều trị tiếp.
Hy vọng tình trạng của cháu thời gian tới sẽ đáp ứng tốt, tới đây sẽ đánh giá lại X quang và lâm sàng, cháu có thể ra viện được nếu tình trạng nhiễm khuẩn và viêm phổi ổn định.
Đây không phải là trường hợp uốn nhầm hóa chất hy hữu mà cách đây chưa lâu, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận cháu bé hơn 1 tuổi cũng bị viêm phổi do sặc dầu.
Nguyên nhân là gia đình cháu làm nghề mộc, người lớn cho dầu đánh bóng gỗ vào chai trà xanh không độ, cháu bé tưởng nước đã lấy uống. Lúc đưa vào nhập viện, cháu đã trong tình trạng viêm phổi nặng, hôn mê phải thở máy. Nhưng may mắn sau một thời gian điều trị cháu đã được cứu sống.
Dầu đốt đèn mà cháu Đ. uống phải (Ảnh gia đình cung cấp)
Theo BS Dũng, ca bệnh hy hữu nữa là cách đây hơn 1 tháng, một bệnh nhi nhập viện cấp cứu do uống phải thuốc cai nghiện của bố mẹ (methadone) và bị hôn mê. Đối với loại ngộ độc này, nếu có thuốc giải độc tố đặc hiệu thì mới cứu được.
Thậm chí, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa điều trị cho 1 cháu bé uống nhầm nước tẩy bồn cầu. Trong lúc chơi đùa, bé trai Đặng B.A (21 tháng) đã cho vào miệng chiếc chén mà gia đình từng dùng để đựng thuốc tẩy rửa bồn cầu nhưng chưa kịp rửa sạch. Hậu quả là bé trai bị loét miệng-hạ họng thanh môn và loét thực quản-dạ dày
Theo khuyến cáo của bác sĩ, gia đình có trẻ nhỏ phải hết sức lưu ý, không được để những hóa chất, thuốc ở tầm với của trẻ, đặc biệt không đựng vào những chai, hộp trẻ dễ nhầm thành đồ uống, đồ ăn được. Khi phát hiện trẻ uống phải hóa chất, hoặc những thứ nghi ngờ, trước tiên phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông tin cho bác sĩ về hóa chất nghi ngờ trẻ đã uống.
“Thông tin về thứ trẻ uống rất quan trọng, nếu có thuốc giải đặc hiệu, bác sĩ giải quyết được vấn đề ngộ độc, không làm mất thời gian vàng điều trị”, BS Dũng nói. Tùy hóa chất mà trẻ uống, bác sĩ đặt gây nôn, hoặc bơm rửa dạ dày, không phải trường hợp nào cũng gây nôn vì sẽ có nguy cơ hít vào đường thở, gây viêm phổi.
BS Dũng cũng khuyến cáo, phụ huynh khi gặp trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất phải bình tĩnh sơ cứu và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất, tùy vào đánh giá tình trạng của trẻ mà bác sĩ chuyển trẻ đến tuyến cao hơn để có biện pháp đặc hiệu hơn.
"Các biện pháp sơ cứu cơ bản ban đầu đối với trường hợp sặc sữa hay nguyên nhân do thức ăn: Cố gắng kích thích cho trẻ phản xạ ho tự nhiên, đây là biện pháp hiệu quả nhất. Nếu trẻ không có phản xạ ho tự nhiên, lúc đó vỗ lưng, ấn ngực trẻ. Biện pháp này không áp dụng cho trẻ uống nhầm phải a xít hoặc hóa chất.
Nếu trẻ uống phải hóa chất hoặc axit, nếu gây nôn đi gây nôn lại sẽ gây bỏng thực quản, nặng nề hơn có thể gây hít vào phổi làm bỏng đường hô hấp. Cho nên, tùy vào từng tình huống để đưa ra biện pháp sơ cứu an toàn nhất", BS Dũng khuyến cáo.