Bé trai 10 tuổi, nặng 14kg ăn mãi không no vì có “hệ tiêu hóa” để ngoài da

Lê Phương |

Khi bị cắt hết đại tràng, cậu bé 10 tuổi phải tạo 2 hậu môn nhân tạo và lúc nào cũng lủng lẳng đeo hai chiếc “túi tiêu hóa” chuyên dụng bên người.

Chưa đầy 2 tháng phải trải qua 3 lần phẫu thuật

Gặp cháu Đàm Minh Khải (10 tuổi, thôn Rừng Long, Lục Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi một cậu bé 10 tuổi mà mang thân hình của đứa trẻ lên 5.

Bên hông Khải lúc nào cũng mang theo hai chiếc túi nilon chuyên dụng để chứa thức ăn thải ra từ cơ thể. Mẹ cháu Khải cho biết đây là kết quả của 3 cuộc phẫu thuật liên tiếp trong vòng chỉ hai tháng mà con trai mình mới trải qua.

Chị Đàm Thị Lợi (SN1977, mẹ Minh Khải) chia sẻ: "Bây giờ cháu đã khá lên nhiều rồi. Cách đây 1 tháng, cháu chỉ còn da bọc xương. Gia đình chúng tôi còn tưởng cháu không qua khỏi".

Bé trai 10 tuổi, nặng 14kg ăn mãi không no vì có “hệ tiêu hóa” để ngoài da - Ảnh 1.

Cháu Khải hiện đã khỏe hơn trước, nhưng vẫn như "bộ xương di động", lúc nào cũng có mẹ và người bà cô bên cạnh chăm sóc.

Năm 2007, Khải chào đời, lớn lên và khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường. Được 10 tuổi, vào tháng 6/2017, bé bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng âm ỉ, rồi ăn khó tiêu, không hấp thu được…

Lo lắng gia đình đưa Khải đi viện khám thì bác sĩ chẩn đoán bé bị phình đại tràng, phải phẫu thuật ngay.

Tại bệnh viện tỉnh, Khải được phẫu thuật 2 lần cắt toàn bộ đại tràng và tạo hai hậu môn nhân tạo.

Sau mổ, bệnh nhi bị nhiễm trùng, tưởng chừng không qua khỏi. May mắn khi chuyển xuống BV Nhi Trung ương, các bác sĩ đã phẫu thuật lại một lần nữa, điều trị tích cực và dần dần sức khỏe cháu tiến triển hơn.

Chị Lợi cho biết, thời gian đầu mới vào viện, con trai chị được 24kg, nhưng sau 2 cuộc phẫu thuật chỉ còn 14kg.

Bé trai 10 tuổi, nặng 14kg ăn mãi không no vì có “hệ tiêu hóa” để ngoài da - Ảnh 2.

Ngoài vấn đề về đường tiêu hóa, Khải còn không có một quả thận.

Ước khỏi bệnh và được ăn no

Ngồi bên cạnh mẹ và những người thân ở bệnh viện, cháu Khải liên tục kêu đói và đòi mẹ đi mua xúc xích, bánh mỳ về ăn.

"Cháu đói lắm, cháu muốn ăn thật nhiều mà ăn mãi chẳng thấy no gì cả", Khải vừa nói, tay vừa ăn liên tục 2 chiếc xúc xích vào miệng.

Bé trai 10 tuổi, nặng 14kg ăn mãi không no vì có “hệ tiêu hóa” để ngoài da - Ảnh 3.

Dù vừa ăn xong nhưng Khải luôn miệng kêu đói.

Lý giải về vấn đề này, chị Lợi cho hay: "Hiện cháu không có đại tràng nên mọi thức ăn khi vào thế nào thì ra gần nguyên xi như vậy, vì thế lúc nào cháu cũng kêu đói và không thể cơ thể không thể hấp thu được".

Dù trên cơ thể đang chằng chịt băng y tế và những "túi tiêu hóa" lủng lẳng ở bên hông, nhưng Khải không hề cảm thấy đau đớn, thậm chí còn muốn chạy nhảy cùng các bạn ở sân chơi bệnh viện.

Bé trai 10 tuổi, nặng 14kg ăn mãi không no vì có “hệ tiêu hóa” để ngoài da - Ảnh 4.

Khải "thèm thuồng" được ra chơi với các bạn ở ngoài sân bệnh viện.

"Cháu chẳng được đi học, giờ cháu chỉ muốn ra ngoài sân chơi với các bạn thôi. Nhưng mẹ cháu chẳng cho cháu ra đó, sợ cháu bị ngã", Khải nói.

Bé trai 10 tuổi, nặng 14kg ăn mãi không no vì có “hệ tiêu hóa” để ngoài da - Ảnh 5.

Do hoàn cảnh khó khăn, người nhà cháu Khải phải tận dụng đổ chất thải đi và dùng lại túi.

Chia sẻ về căn bệnh của cháu Đàm Minh Khải, bác sĩ khoa Tiêu hóa (BV Nhi Trung ương) cho biết, trước mắt cháu Khải không thể thực hiện được phẫu thuật vì sức khỏe quá yếu.

"Khi nào Khải phải đạt cân nặng 25kg trở lên chúng tôi mới hội chẩn xem có phẫu thuật hay không, đợt phẫu thuật đó sẽ là cuộc đại phẫu, chỉnh sửa hệ tiêu hóa cho cháu bé và tiến hành tái tạo, nối về đúng vị trí hậu môn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện tại là phải tăng cường chế độ dinh dưỡng để cháu tăng cân", bác sĩ khám cho Khải chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại