LTS: Vụ "bê tông cốt xốp" đang gây xôn xao dư luận và chưa rõ thực hư, chưa có kết luận cuối cùng. Để độc giả có cái nhìn đa chiều, chúng tôi đã phỏng vấn chuyên gia uy tín trong lĩnh vực xây dựng.
Thông tin hàng loạt trụ cột đèn trên cầu vượt đường sắt trục phía Nam, đoạn qua địa phận phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) lộ tấm xốp giữa các lớp bê tông vẫn đang được dư luận hết sức quan tâm.
Lớp xốp dày 3-4 cm xen kẽ giữa lớp cát đệm và bê tông trên vỉa hè cầu. Chỉ cần dùng tay có thể bẻ gãy các miếng xốp giữa bê tông và cát rụng rời, vỡ vụn.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thực tế, trong việc thi công công trình sẽ không thể có chuyện "bê tông cốt xốp" mà lại công khai như ở công trình cầu vượt đường sắt tại Hà Nội như vậy được.
"Bê tông cốt xốp theo tôi chắc chắn là không có, chẳng đơn bị thi công nào lại làm việc đó cả mà ở đây lại là công trình thi công công khai, giữa Thủ đô như vậy", PGS Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, việc công ty Cienco 5 Land đưa ra giải thích tấm xốp đó để định vị những vị trí đấu nối luồn cáp vào chân cột đèn của hệ thống chiếu sáng là hoàn toàn có thể và bình thường.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.
"Thực tế, trong quá trình thi công vỉa hè của công trình này lẽ ra họ nên thi công cả cột đèn luôn, nhưng ở đây, tôi không hiểu tại sao đến giờ cột đèn vẫn chưa được thi công hay trong bản vẽ thiết kế không có phần cột đèn chiếu sáng...
Chính vì cột đèn chưa được thi công nên họ phải để lỗ chờ lắp, dựng cột đèn. Sau đó, đến quá trình thi công vỉa hè để tránh vữa, lát gạch vào vị trí này họ phải dùng biện pháp là đặt tấm xốp hay gỗ hay giấy... rồi đổ cát xuống.
Ở đây, họ dùng tấm xốp đặt lên, việc này là để sau này khi lắp cột đèn sẽ đỡ phải đục lớp bê tông, vữa, gạch lát mà chỉ cần đục tấm xốp, moi cát ra. Việc làm của họ không có vấn đề gì, không ảnh hưởng ghê gớm gì tới công trình", PGS Hùng cho hay.
Tuy nhiên, theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đơn vị thi công ở đây đã làm không hết trách nhiệm, có phần sơ hở.
"Lẽ ra, với các lỗ như vậy, đơn vị thi công cần có biện pháp khác để đánh dấu, để lộ ra, chẳng hạn như dùng tấm bê tông hay vật gì đó che lên để mọi người dễ phát hiện.
Nhưng ở đây lại dùng xốp che như vậy, sau đó lại đổ vữa, lát gạch lên là không được. Rồi đến lúc đục ra thi công cột đèn, công nhân lại không đục hết phần xốp đã định thi công rồi thì đó là sự chưa cẩn thận", PGS Hùng nhấn mạnh.
Cận cảnh " bê tông cốt xốp". Ảnh: Tiền phong.
Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nhận định, việc này xảy ra trên vỉa hè nên không gây ảnh hưởng đến công trình. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và đơn vị chủ đầu tư, thi công cũng cần kiểm tra lại xem các chỗ khác trên dọc cầu có như thế không.
"Nếu cũng như thế thì cần chấn chỉnh lại để tránh cho việc thi công cẩu thả như vậy tái diễn", PGS Hùng nêu.
Cùng trao đổi với chúng tôi, anh Lâm Tiến Thành, cán bộ thi công của một công ty cầu đường ở Hà Nội cho rằng, việc đặt xốp để định vị những vị trí đấu nối luồn cáp vào chân cột đèn của hệ thống chiếu sáng là đúng, không có vấn đề gì, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
"Mục đích của người ta là để sau này khi thi công cột đèn không cần phải đục phần bê tông mà chỉ cần đục phần xốp là có thể thi công ngay.
Nhưng ở đây, do nguyên nhân giám sát hay nào đó nên các công nhân đã thi công hơi ẩu, không đục hết phần xốp kia, điều đó đã dẫn đến việc dư luận hiểu nhầm.
Còn bê tông cốt xốp thì chắc chắn không thể có được, không ai làm việc đó cả...", anh Thành nói.