So với các hành tinh đất đá trong hệ Mặt trời như Sao Hỏa, Sao Kim, nước chính là điểm khác biệt lớn nhất của Trái Đất. Khoảng 70% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước, trong khi 30% còn lại là các lục địa và hòn đảo. Trong đó, 97% lượng nước trên hành tinh thuộc về đại dương và chỉ khoảng 3% tồn tại ở dạng khác như sông băng, mũ băng, nước từ sông, hồ...
Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi: Nếu một ngày đại dương khô cạn nước, Trái Đất sẽ trông như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, cơ quan hàng không & vũ trụ Mỹ NASA mới đây đã tung ra một video mô phỏng, mang tới cái nhìn rõ ràng và chi tiết nhất về Trái Đất khi các đại dương cạn khô. Trong đoạn video kéo dài gần 1 phút, Trái Đất đã có sự thay đổi chóng mặt khi mực nước biển hạ xuống từ vài trăm m cho đến hàng km.
Video mô phỏng quá trình các đại dương dần bị khô cạn khi mực nước biển xuống thấp của NASA
Khi các đại dương mất dần lượng nước, những mảnh đất ẩn giấu đầu tiên đã xuất hiện - đó chính là thềm lục địa, phần rìa nằm dưới đáy biển của mỗi lục địa. Theo NASA, chỉ cần mực nước đại dương hạ hơn 100 m, rất nhiều thềm lục địa sẽ hiện ra.
"Có thể thấy diện tích đất nằm ngay dưới mặt biển là rất lớn khi chúng ta mới chỉ hạ mực nước biển xuống vài chục m", nhà khoa học James O'Donoghue, người tạo ra video chia sẻ.
Trong kỷ Băng Hà cuối cùng diễn ra từ 26000 đến 19000 năm trước, mực nước biển thời điểm đó của Trái Đất thấp hơn khoảng 124m so với thời điểm hiện nay. Do nhiệt độ của Trái Đất xuống rất thấp, phần lớn nước biển đã bị đóng thành băng ở hai cực của Trái Đất.
Trái Đất khi mực nước giảm 110m so với mực nước biển hiển tại. Các thềm lục địa quanh Việt Nam đã lộ rõ, cho phép người tiền sử có thể đi bộ tới các các quần đảo thuộc Indonesia và Malaysia hiện nay
Nhờ mực nước biển thấp, thềm lục địa đã biến thành các ‘hành lang đất liền’, cho phép con người di cư từ lục địa này sang lục địa khác, thay vì bị chia cắt bởi đại dương như thời điểm hiện tại. Vào thời cách đây hàng chục nghìn năm, tổ tiên của chúng ta có thể đã đi bộ từ lục địa Châu Âu đến vương quốc Anh, từ Siberia đến Alaska, từ Australia đến khu vực Đông Nam Á.
Nhờ con đường này, con người cổ đại mới xuất hiện ở châu Mỹ và châu Úc. Tuy nhiên, khi kỷ băng Hà kết thúc, nhiệt độ Trái Đất tăng lên khiến băng ở vùng cực tan chảy một phần. Khi mực nước biển tăng lên, thềm lục địa lại bị nhấn chìm hoàn toàn.
Trái Đất khi mực nước giảm 3290m so với mực nước biển hiển tại. Những dãy núi khổng lồ dưới đáy biển, chạy dọc khắp Trái Đất đã hiện ra.
Video của NASA tiếp tục cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra nếu mực nước hạ thêm từ 2000-3000m so với mực nước biển hiện tại. Sau khi làm ‘bốc hơi’ một lượng lớn nước ở các đại dương, những dãy núi khổng lồ dưới đáy biển đã hiện ra.
Những dãy núi này được gọi là sống núi giữa đại dương (mid-ocean ridge), với chiều dài lên tới 60000km, chạy dọc khắp Điạ cầu. Theo NASA, khoảng 90% sống núi giữa đại dương hiện đang nằm dưới đáy biển.
Quanh cảnh Trái Đất nếu mực nước biển giảm 6480m
Khi mực nước bị hạ xuống thêm 6000m, phần lớn nước của các đại dương đã biến mất. Cả Trái Đất lúc này hoàn toàn khô cằn, với phần đáy biển đã hoàn toàn lộ rõ. Tuy nhiên, vẫn có một nơi duy nhất trên Trái Đất vẫn có nước biển.
Đó chính là Rãnh Mariana, vốn có độ sâu khoảng 11km. Để có thể hoàn toàn làm khô cạn nơi sâu nhất vỏ Trái Đất, mực nước biển cần phải hạ thêm xuống 5000m, theo video mô phỏng của NASA.