Bé gái suýt chết nghẹn khi ăn phô mai và lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ

Phạm Hậu |

Sau bữa ăn chính, anh Justin Morrice vô tình cho con gái ăn một vài miếng phô mai đã cứng. Hậu quả là đứa trẻ bị nghẹn đến ngạt thở.

Bé gái suýt mất mạng do ăn phô mai

Hóc dị vật là một trong những tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ. Nó là nguyên nhân gây tử vong cao nếu không cứu chữa kịp thời.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện cấp cứu do hóc dị vật xảy ra, có những trường hợp trẻ được cứu sống do gia đình, bác sĩ sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ mãi mãi ra đi do sự chậm trễ, thiếu hiểu biết của cha mẹ, phụ huynh.

Mới đây, một ông bố người Canada có tên Justin Morrice đã xuất hiện trên mạng xã hội với mong muốn nhắc nhở những ông bố bà mẹ khác về tai nạn hóc dị vật ở trẻ.

Anh Justin Morrice đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân tình huống nguy hiểm mà anh đã phải trải qua khi cô con gái nhỏ suýt bị mất mạng do bị nghẹn khi đang ăn phô mai.

Chia sẻ của anh cũng là lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh khi cho trẻ nhỏ ăn bất cứ thứ gì.

Bài viết của Justin Morrice nhận được gần 40.000 lượt chia sẻ chỉ sau hai tuần đăng tải.

Bé gái suýt chết nghẹn khi ăn phô mai và lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ - Ảnh 1.

Bức ảnh về cô con gái được Justin Morrice đăng tải trên Facebook sau khi cô bé suýt tử vong vì bị nghẹn.

Theo lời anh Morrice chia sẻ trên trang cá nhân, “Lúc này đây tôi vẫn run khi đang đăng tải bài viết này như một lời nhắc nhở đến tất cả những bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ … làm ơn luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của bất kỳ loại thực phẩm nào chúng ta cho trẻ ăn.

Sau khi cho con gái ăn cơm xong tôi đổ một vài miếng phô mai vào khay thức ăn của con bé để con ăn tráng miệng… và trong vòng chưa đầy 10 giây khi tôi rửa bát, quay lại thì thấy con bé đang thở hổn hển.

Con bé cố khóc nhưng không thể… Tôi chạy vội đến, nhấc con bé lên và lật úp xuống và vỗ vào lưng nhưng mãi mà vẫn không nghe thấy gì. Tôi lật ngửa con lại, môi của con bé tím tái và con bé vẫn đang cố khóc.

Tôi thử lại lần nữa… môi con bé thậm chí còn tím tái hơn… và lúc đó tôi nghĩ cô con gái nhỏ của tôi đang chết dần trên tay mình… Tôi quá hoảng sợ và làm điều duy nhất tôi có thể nghĩ đến…

Tôi thọc ngón tay vào cổ họng con bé và có thể làm mềm miếng phô mai và điều tiếp theo tôi nghe được là âm thanh tuyệt diệu nhất trên thế giới này… tiếng khóc của con…”.

Justin Morrice rất hỗn loạn vì con đã từng ăn loại phô mai đó vài ngày trước mà không có chuyện gì xảy ra.

Sau khi đọc kỹ hộp đựng phô mai, anh đã tìm ra lời “cảnh báo” in bằng chữ rất nhỏ của nhà sản xuất: hộp phô mai chỉ được phép sử dụng trong vòng 5 ngày sau khi mở nắp.

Nếu không được bảo quản thích hợp hoặc sử dụng trong vòng 5 ngày, miếng phô mai sẽ bị cứng, khó nhai và không an toàn cho trẻ nhỏ.

Anh mở một hộp phô mai mới và so sánh: phô mai trong hộp cũ khiến con gái anh bị nghẹn cứng và dai như “nút tai chống ồn” trong khi phô mai trong hộp mới có thể bẻ vụn dễ dàng.

Bé gái suýt chết nghẹn khi ăn phô mai và lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ - Ảnh 2.

Lời cảnh báo sử dụng của nhà sản xuất phô mai mà Juston Morrice đã bỏ qua: "Sử dụng trong vòng 5 ngày sau khi mở nắp để sản phẩm đạt độ tươi ngon nhất".

Cha mẹ cần làm gì giúp trẻ tránh nguy cơ bị hóc, nghẹn

Nghẹn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các loại chấn thương và tử vong ở trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi. Phần lớn trẻ bị nghẹn do thức ăn, đồng xu và đồ chơi.

Khi trẻ bị nghẹn, bố mẹ chỉ có một vài giây quý giá ngắn ngủi để xử lý, và nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, hậu quả khôn lường có thể xảy ra.

Theo nghiên cứu của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) do Tiến sỹ Y khoa Gary Smith của Bệnh viện Nhi Quốc gia đứng đầu, trung bình ở Mỹ cứ 5 ngày thì có một trẻ tử vong do bị nghẹn thức ăn.

Bé gái suýt chết nghẹn khi ăn phô mai và lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ - Ảnh 3.

Trẻ dưới 4 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị nghẹn do thức ăn, đồng xu và đồ chơi. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, những trường hợp trẻ bị hóc dị vật cũng thường xảy ra nhiều.

Trung bình mỗi tháng, khoa cấp cứu của Viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 5 đến 6 ca bệnh trẻ em mắc dị vật đường thở, do nuốt phải các loại hạt như lạc, hạt nhãn, hạt vải, hạt na, hạt hồng xiêm, đồ chơi, đầu bút bi...

Các bé chủ yếu từ 2 đến 5 tuổi.

"Dị vật đường thở là một loại cấp cứu khẩn cấp nhất của chuyên khoa tai mũi họng, nếu dị vật to, chèn toàn bộ đường thở thì trẻ có thể tử vong chỉ sau 5 đến 7 phút".

Còn dị vật hình tròn, to là nguy hiểm nhất, vì nó bít luôn hoàn toàn đường thở. Nếu Dị vật nhỏ như hạt hay xương cá dễ xử trí hơn vì bệnh nhân vẫn còn thở được.

Ngay kể đến những loại thực phẩm được coi là “thân thiện” với trẻ nhỏ như nho, bắp rang bơ và các loại hạt cũng gây tình trạng cực kỳ nguy hiểm cho trẻ vì chúng có thể dễ dàng mắc kẹt trong cổ họng hoặc phổi.

Xúc xích tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất gây tai nạn nghẹn ở trẻ.

Tiến sỹ Smith cho biết, “Nếu bạn muốn thiết kế một loại nút đóng hoàn hảo cho khí quản của trẻ, không gì có thể sánh bằng xúc xích. Nó sẽ chèn rất chặt và khí quản sẽ bị tắc nghẽn hoàn toàn, có thể khiến trẻ tử vong trong vòng vài phút vì bị thiếu oxy”.

Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên nhận thức và lường trước được mọi nguy cơ tai nạn do thức ăn gây ra.

Nguy cơ trẻ bị nghẹn phụ thuộc vào hình dạng, kích thước và độ cứng của thực phẩm, cũng như năng lực phát triển và hành vi của trẻ.

Theo Tiến sĩ Lương Minh Hương, Phó khoa Soi, Viện Tai Mũi Họng cho biết, khi bị hóc dị vật, trẻ thường có các biểu hiện điển hình là: Tím tái, vã mồ hôi, trợn mắt mũi và ho rũ rượi.

Nếu ho quá mạnh có thể gây đại tiểu tiện không tự chủ. Trong quá trình ho, dị vật có thể bật ra ngoài, hoặc sẽ rơi sâu vào trong đường thở.

Tuy nhiên, khi trẻ hóc dị vật, nếu người nhà thò tay vào móc thì dị vật có thể rơi vào sâu hơn, gây nguy hiểm cho trẻ.

Vì thế, bác sĩ Hương đặc biệt lưu ý việc sơ cứu tại nhà chỉ nên thực hiện trong trường hợp trẻ tím tái dữ dội, có nguy cơ chết ngay.

Khi đó, đặt trẻ nằm ngửa, ấn ở vùng hạ sườn (ngay dưới ngực) từ 5 đến 7 lần để dị vật có thể bật ra.

Trường hợp dị vật tròn trịa như hòn bi ve thì dốc đầu trẻ xuống, đồng thời để bệnh nhân nằm nghiêng đi một bên, cho trẻ há miệng ra.

Trường hợp trẻ hóc dị vật, tím tái nhưng vẫn có thể thở được thì người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý.

Những điều cần lưu ý giúp giảm nguy cơ trẻ găp tai nạn nghẹn

- Không đưa cho trẻ dưới 4 tuổi bất kỳ loại đồ ăn nào tròn, cứng trừ khi đồ ăn đã được cắt thành những miếng nhỏ.

Cắt xúc xích theo chiều dọc và cắt quả nho thành phần tư. Điều này giúp thay đổi hình dạng tròn tiềm ẩn nguy cơ làm tắc nghẽn cổ họng của trẻ.

- Không đưa cho trẻ những loại thực phẩm nguy hiểm khác, như kẹo cứng, hạt hạnh nhân, hạt hoa quả và cà rốt nguyên củ.

- Không bao giờ cho phép trẻ nhỏ chạy nhảy, chơi đùa hay nằm xuống khi đang ăn.

- Giữ đồng xu và các vật thể nhỏ khác ngoài tầm với của trẻ mọi nơi mọi lúc.

- Đọc kỹ nhãn cảnh cảnh báo trên đồ chơi trước khi cho trẻ chơi.

- Kiểm tra xem có bộ phận nào của đồ chơi quá nhỏ hay không.

- Học cách sơ cứu và hồi phục tim (CPR) phòng khi tai nạn nghẹn xảy ra ở trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại