Bé gái mới 8 tuổi đã bị ung thư hạch, BS chia sẻ dấu hiệu bệnh rất dễ bỏ qua

Bảo Nam |

Bệnh nhi đã được đi khám và kê thuốc kháng sinh giảm viêm nhưng hạch không giảm. Thật sự không may kết quả sau mổ lại là ung thư hạch (U lympho).

Bé gái mới 8 tuổi đã bị ung thư hạch

Thời gian gần đây, ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) đã tiếp nhận 1 bệnh nhi nữ 8 tuổi, đến khám vì nổi hạch cổ, dấu hiệu kéo dài gần 2 tháng.

Trước đó, bệnh nhi đã được đi khám và kê thuốc kháng sinh giảm viêm nhưng hạch không giảm. Sau khi đến khám, bác sĩ Tuấn chỉ định sinh thiết hạch để chẩn đoán.

Bé gái mới 8 tuổi đã bị ung thư hạch, BS chia sẻ dấu hiệu bệnh rất dễ bỏ qua- Ảnh 1.

ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn

"Thật sự không may kết quả sau mổ lại là ung thư hạch (U lympho), hơn nữa bệnh không chỉ tại hạch mà còn xuất hiện tại các vị trí khác trong ổ bụng và xương.

Sau khi có kết quả giải phẫu bệnh, bé đã được chuyển đi điều trị hóa chất", Ths.BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.

Theo bác sĩ Tuấn, U lympho là một nhóm bệnh không đồng nhất gồm nhiều loại u khác nhau phát sinh từ hệ thống lưới nội mô và hệ bạch huyết. Các loại chính là u lympho Hodgkin và u lympho non-Hodgki.

U lympho ác tính đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư ở trẻ em sau bệnh bạch cầu cấp và khối u hệ thần kinh trung ương. Ở Việt Nam, ước tính u lympho ác tính chiếm khoảng 15% các ung thư ở trẻ em.

Bệnh ung thư hạch không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà còn có xu hướng gia tăng ở người lớn. Đáng nói, bệnh rất dễ bỏ qua do có thể biểu hiện ở hạch qua các vị trí như da, đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng…), vòm mũi họng, lưỡi, thần kinh trung ương, hốc mắt…

Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư hạch?

Cho đến nay nguyên nhân gây ra bệnh ung thư hạch vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Cơ thể đang có các tổn thương về gen.

- Nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi, nhất là ở những người trên 55 tuổi.

- Ung thư hạch thường xảy ra phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.

- Có các yếu tố nhiễm khuẩn: HIV, EBV, HTLV-1, HHV8…

- Gặp các yếu tố miễn dịch: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải HIV/AIDS, sau ghép tạng…

- Mắc các bệnh lý tự miễn.

- Tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…

Dấu hiệu bệnh ung thư hạch dễ bỏ qua

- Hạch to không đau, phát triển lớn dần, có mật độ chắc và di động kém, đôi khi liên kết thành khối. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn; cũng có thể thấy ở hạch trung thất, hạch ổ bụng.

- Tổn thương ngoài hạch chiếm khoảng 40%, có thể nằm ở dạ dày, amidan, hốc mắt, da...

- Lách thường to ở mức độ I/II. Trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to ở mức độ III/IV.

shutterstock_549577756-600x400.jpg

Hình minh họa

- Gan to ít gặp hơn, thường đi kèm với hạch to và/hoặc lách to.

- Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng B còn gọi là tam chứng B gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.

- Thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.

- Giai đoạn muộn của bệnh thường xuất hiện các biểu hiện chèn ép, xâm lấn mô lympho như hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu ung thư nằm ở ống tiêu hóa.

Ung thư hạch là căn bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn nên cần chủ động thăm khám khi có các bất thường kể trên. Đồng thời cần đi khám sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống khoa học (ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, tránh thức khuya, không tiếp xúc với hóa chất độc hại...) để có thể ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh ung thư hạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại