Ngay từ khi mới lọt lòng, Genie chưa 1 lần được cảm nhận tình yêu thương của bố mẹ, bị đối xử tồi tệ đến nỗi ở tuổi 13 mà chỉ cao gần 1,4m, bị suy dinh dưỡng nặng với cân nặng vỏn vẹn 27kg.
Nhất là Genie không thể đi lại như người bình thường, miệng chỉ có thể lẩm bẩm vào từ ngữ đơn giản và hầu như chẳng thể giao tiếp.
Đây được nhận định là 1 trong những vụ lạm dụng trẻ em nghiêm trọng nhất lịch sử hình sự nước Mỹ.
Genie là con gái út của Clark Wiley và người vợ kém ông hơn 20 tuổi Irene Oglesby, chào đời vào năm 1957 tại tiểu bang California.
Được biết, ông Clark từ nhỏ đã sống trong cô nhi viện dù có mẹ hẳn hoi. Người này điều hành nhà thổ và rất hiếm khi đến thăm con trai.
Không được quan tâm, ông Clark dần nảy sinh tâm lý giận dữ và thù hằn tất cả mọi thứ trên đời. Trong khi đó, bà Irene bị đục thủy tinh thể nghiêm trọng nên dần dần đánh mất thị lực.
Điều này khiến bà càng thêm dựa dẫm và phụ thuộc vào người chồng bên cạnh.
Trên đời có 2 thứ ông Clark ghét nhất, đó là tiếng ồn và trẻ con.
Điều này có thể giải thích vì sao vợ chồng có với nhau 4 người con nhưng chỉ 2 đứa trẻ may mắn sống sót, bao gồm John và Genie, sau khi anh chị chúng qua đời vì không được chăm sóc kỹ lưỡng.
Khi Genie được 20 tháng tuổi, gia đình em chuyển sang nhà bà nội sinh sống. Tại đây, cơn ác mộng của đứa trẻ chính thức bắt đầu.
Mỗi ngày, Genie bị bố trói và nhốt vào nhà vệ sinh trong suốt 13 giờ đồng hồ. Buổi tối, em được thay tã 1 lần trước khi bị nhét vào trong túi ngủ nhằm cố định tay chân, ngăn đứa trẻ bò khắp nơi trong đêm.
Trong 1 lần ra ngoài cùng cháu nội John ra ngoài, mẹ ông Clark bị đụng xe và qua đời. Sau khi biết chuyện, ông đổ hết lỗi lầm cho con trai và càng trở nên chống đối xã hội, bạo lực hơn rất nhiều.
Một thời gian sau, ông Clark nghỉ việc, bắt đầu bày ra những nội quy chống tiếng ồn tại nhà.
Theo đó, mọi người không được xem TV hay nghe radio, thậm chí mẹ và anh trai Genie cũng bị cấm nói chuyện với nhau, con gái út là người bị cô lập nhất, chẳng thể giao tiếp với bất kỳ người thân nào.
Người nào vi phạm sẽ lãnh ngay trận đòn thừa sống thiếu chết từ người chồng, ông bố bạo lực.
Ở tuổi 13, Genie không thể đi lại như người bình thường, không biết nuốt thức ăn dẫn đến vấn đề về đường ruột và không thể kiểm soát được việc đi vệ sinh.
Đứa trẻ này thường có xu hướng làm tổn thương chính mình mỗi khi em lên cơn nóng giận. Dù thị lực tốt nhưng Genie không có khả năng tập trung ánh nhìn lên món đồ cách xa trên 3m, tương đương với chiều dài căn phòng em bị bố nhốt.
Năm 1970, bố mẹ Genie xảy ra mâu thuẫn đến nỗi nảy sinh bạo lực.
Vài tuần sau, bà Irene dẫn con gái đi ra ngoài để đi xin phúc lợi cho người khiếm thị trong lúc chồng đi vắng nhưng 2 mẹ con lại vô tình đi lạc sang văn phòng dịch vụ xã hội ngay bên cạnh.
Lúc đầu khi nhìn thấy Genie, nhân viên tại đây chỉ nghĩ rằng đứa trẻ bị tự kỷ nhưng sau 1 hồi, sự thật mới vỡ lở. Cảnh sát nhận được tin báo đã lập tức tiến hành bắt giữ bố mẹ Genie vì tội ngược đãi con cái.
Sau khi được chia sẻ rộng khắp trên các mặt báo, vụ việc nhận được sự chú ý của toàn thể người dân nước Mỹ.
Vào buổi sáng trước khi phiên tòa xét xử diễn ra, ông Clark đã tự tử và để lại dòng thư tuyệt mệnh: "Thế giới này sẽ không bao giờ hiểu được".
Kẻ bạo hành nhờ đó mà không bao giờ phải chịu trách nhiệm và hình phạt thích đáng cho những gì ông gây ra với đứa con gái đáng thương.
Gần cả cuộc đời bị bắt nhốt, Genie chịu tổn thương nghiêm trọng về mặt thể xác.
Ngoài bị suy dinh dưỡng, mông em phát triển thành mô sẹo dày và bầm tím, hông bị biến dạng, kết cấu xương chỉ như 1 đứa trẻ 11 tuổi. Genie không thể đứng thẳng, dáng người lom khom và bước đi khệnh khạng như cụ già.
Sau khi được đưa đến bệnh viện nhi đồng, Genie trở thành chủ thể thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và chuyên gia y tế.
Mọi người tỏ ra thích thú với 1 đứa trẻ được ví như người rừng vì bị bắt nhốt trong suốt thời gian dài trước khi tiến hành hàng trăm, hàng nghìn những cuộc kiểm tra để tìm hiểu về Genie.
Hơn tất cả sự mong đợi, Genie hồi phục rất nhanh chóng. Em bắt đầu biết nhai nuốt, tự mặc quần áo và thưởng thức âm nhạc. Đối với những điều không thể nói bằng lời, em sẽ thể hiện chúng qua những bức tranh vẽ.
Genie không gặp vấn đề trong quá trình trau dồi từ vựng mới nhưng em không thể tiếp thu ngữ pháp.
Nguyên nhân là do Genie đã vượt quá độ tuổi học cách nối dẫn từ ngữ lại với nhau để tạo thành câu nói hoàn chỉnh, độ tuổi tốt nhất là từ 5 đến 10 tuổi.
Các chuyên gia mãi vẫn không thể giúp Genie cải thiện khả năng giao tiếp của đứa trẻ.
Đến năm 1972, cuộc tranh cãi giữa người chăm sóc Genie và các nhà khoa học muốn nghiên cứu em nổ ra.
Mẹ Genie tố các tổ chức y khoa cố ý kiểm soát con gái bà để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu trong khi bà bị chỉ trích không có khả năng chăm sóc đứa trẻ.
Một thời gian sau, khi số tiền tài trợ cho hoạt động nghiên cứu cạn kiệt, các chuyên gia y tế mới chấp nhận buông tay và giao em lại cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ.
Vậy nhưng, cuộc sống của Genie ở môi trường mới không tốt đẹp như kỳ vọng. Em tiếp tục bị bạo hành về mặt thể xác lẫn tinh thần khiến những sự hồi phục trong quá khứ dần trở lại vị trí bắt đầu.
Chỉ trong vòng 2-3 năm, Genie buộc phải đổi chỗ ở sang 4 trung tâm nuôi dưỡng khác nhau.
Giáo sư tâm thần học Jay Shurley miêu tả trường hợp của Genie rằng đứa trẻ từng bị ép phải sống cuộc đời cô lập, nay chấp nhận mở lòng với thế giới nhưng 1 lần nữa, cánh cửa hòa nhập đóng ngay trước mắt em.
Genie đành bỏ cuộc bởi vì tâm hồn của em đã chịu quá nhiều tổn thương.
Năm 18 tuổi, Genie được trở về sống với mẹ ruột ngay tại ngôi nhà em bị giam giữ phần lớn cuộc đời, chứa đựng biết bao nhiêu ký ức tuổi thơ kinh hoàng. Không lâu sau, đứa trẻ này lại được đưa đến 1 trung tâm nuôi dưỡng khác.
Cuối những năm 1970, người ta không còn biết gì về thông tin và nơi ở của đứa trẻ.
Nhiều nguồn tin cho rằng Genie được tổ chức chính phủ sắp xếp đến sống tại trung tâm dành cho người trưởng thành kém phát triển ở thành phố Los Angeles, vị trí chính xác không được tiết lộ.