Một bé gái 8 tuổi tên là Elise người Na Uy đã nhặt được một hòn đá màu nâu xám kỳ lạ khi đang chơi ở trường học ở hạt Vestland, miền tây đất nước. Phát hiện màu nâu xám hóa ra là một con dao găm thời tiền sử do người thời kỳ đồ đá chế tạo cách đây khoảng 3.700 năm.
Elise đưa phát hiện này cho giáo viên của mình. Giáo viên đã nhận thấy rằng công cụ dài 12 cm trông khá cổ xưa và triệu tập các nhà khảo cổ học từ Hội đồng Quận Vestland để kiểm tra hiện vật.
Dựa trên kiểu dáng của nó, con dao găm có thể có từ thời kỳ đồ đá giữa hoặc thời kỳ đồ đá mới, khi người tiền sử bắt đầu tạo hình các công cụ bằng đá và sử dụng thực vật và động vật được thuần hóa, xây dựng các ngôi làng lâu dài và phát triển nghề thủ công.
Vì những con dao găm loại này rất hiếm, thường được phát hiện cùng với đồ hiến tế, nên Hội đồng quận Vestland đã hợp tác với Bảo tàng Đại học quận Vestland ở Bergen, thành phố lớn thứ hai của Na Uy, để điều tra thêm về khu vực này. Nhưng không có bằng chứng bổ sung nào về thời kỳ đồ đá được tìm thấy cho đến nay.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác đã được đặt ra, liên quan đến loại đá tạo nên con dao găm. Các nhà nghiên cứu cho biết đá lửa là một loại đá trầm tích cứng, không xuất hiện tự nhiên ở Na Uy, nên con dao găm có khả năng đến từ nước láng giềng Đan Mạch qua Biển Bắc. Những phát hiện trước đây về các vật phẩm bằng đá lửa ở Na Uy được giải thích là do sự di chuyển của đá trong Kỷ băng hà hoặc quá trình trao đổi hàng hóa sau đó.
Thời kỳ đồ đá, bao gồm thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới, kéo dài từ năm 10.000 trước Công nguyên đến năm 1.800 trước Công nguyên ở Na Uy. Những người thời kỳ đồ đá đầu tiên sống dọc theo bờ biển của đất nước. Họ đánh cá ở biển và săn thú rừng.
Để làm như vậy, họ cần công cụ, vì vậy họ đã sử dụng đá và xương để làm giáo, rìu, cung tên, lao móc và lưỡi câu cá. Một số người săn bắn hái lượm địa phương đã định cư lâu dài để canh tác vào khoảng năm 2400 trước Công nguyên.
Theo Sputnik