Nước mật ong khiến bé gái 6 tuổi dậy thì sớm
Từ nhỏ, Tiểu Húc là một cô bé có thể chất yếu kém, thường hay cảm mạo, ốm vặt. Nghe có người mách rằng uống nước mật ong mỗi ngày sẽ giúp nâng cao sức khỏe, bà Lâm (mẹ Tiểu Húc) đã cất công chuẩn bị loại nước này mỗi sáng để con gái mang tới trường uống.
Qua tìm hiểu, biết được nước mật ong kết hợp cùng sữa ong chúa sẽ tăng thêm hiệu quả, người mẹ chu đáo này còn tiếp tục chạy đôn chạy đáo để tìm mua loại thực phẩm chức năng “thần thánh” trên để tẩm bổ cho con gái.
Tuy nhiên, sau 3 tháng kiên trì uống mật ong, ngực của Tiểu Húc lớn lên một cách bất thường, thậm chí đạt kích cỡ như một thiếu nữ. Bầu ngực bên trái của cô bé còn xuất hiện một khối u cứng, chỉ cần chạm nhẹ cũng khiến bé bị đau nhức.
Hiện tượng trên khiến bà Lâm vô cùng sợ hãi, vội vàng đưa con gái tới bệnh viện. Sau khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ kết luận tình trạng của cô bé Tiểu Húc là dấu hiệu dậy thì sớm giả.
Điều khiến bà Lâm càng tá hỏa hơn khi biết nguyên nhân khiến con gái của bà rơi vào tình trạng này lại bắt nguồn từ chính những cốc mật ong bổ dưỡng kia.
Sau 1 tháng tiến hành điều chỉnh chế độ ăn uống và kết hợp trị liệu bằng thuốc, bệnh tình của Tiểu Húc đã thuyên giảm đáng kể, vòng 1 cũng nhỏ đi không ít, khối u bên ngực trái tiêu biến. Bà Lâm lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.
Báo động tình trạng trẻ em dậy thì sớm
Đến từ bệnh viện Ngân Châu, bác sĩ Kim Hoa Thịnh, phó chủ nhiệm khoa nội tiết nhi cho biết trường hợp dậy thì sớm như cô bé Tiểu Húc không phải là hiếm gặp.
Hiện nay, do chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngày càng có nhiều trẻ em dậy thì sớm, kéo theo đó là các hệ lụy như béo phì, chiều cao kém phát triển…
Chỉ tính riêng tại bệnh viện Ngân Châu, số trẻ em dậy thì sớm chiếm tới 50% tổng số bệnh nhân của khoa nội tiết nhi. Trung bình mỗi ngày, ông Kim phải tiếp nhận tới 3,4 trường hợp nhập viện vì nguyên nhân trên.
Dậy thì sớm xuất hiện do ảnh hưởng của estrogen và androgen trước độ tuổi phát dục. Điều này khiến cho trẻ có các đặc điểm sinh dục thứ phát.
Theo đó, các bé gái chưa tới 8 tuổi đã có dấu hiệu phát triển ngực, chưa đến 10 tuổi có kinh nguyệt lần đầu. Tương tự như vậy, các bé trai nhỏ hơn 9 tuổi sẽ đột ngột phát triển chiều cao.
Tình trạng dậy thì sớm sẽ gây ảnh hưởng đến chiều cao nói riêng và sức khỏe, tâm lý của trẻ nói chung. (Ảnh minh họa: nguồn internet).
Bác sĩ Kim Hoa Thịnh giải thích hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ em có giả, có thật.
Nhìn từ góc độ giới tính, đối tượng của tình trạng này chủ yếu là các bé gái. Nhưng xét từ góc độ bệnh lý mà nói, đại đa số các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ em đều là giả.
“Hiện tượng dậy thì giả có sự tham gia của một lượng hormone giới tính ngoại sinh. Chỉ cần triệt tiêu nguồn hormone này, đồng thời kết hợp với việc trị liệu bằng thuốc, tình trạng của các em đều có thể kiểm soát.
Tuy nhiên, nếu trường hợp dậy thì sớm là thật, các bé cần được tiến hành châm cứu trị liệu, bởi dậy thì sớm sẽ dẫn đến tình trạng ‘trước cao sau lùn’ ở trẻ, khiến xương sớm ngừng phát triển, dẫn đến thể hình thấp bé.
Thông thường, các bé gái bị dậy thì sớm sẽ không thể cao quá 1m50, còn các bé trai thì không vượt qua con số 1m60", bác sĩ Kim giải thích thêm.
Cách nhận biết dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ em
Tình trạng dậy thì sớm có thể được phát hiện thông qua các dấu hiệu dưới đây:
- Bé gái chưa đầy 8 tuổi đã có ngực lớn, bắt đầu xuất hiện lông mu, lông nách, có kinh lần đầu.
- Bé trai chưa tới 9 tuổi mà dương vật và tinh hoàn đã phát triển, xuất hiện lông mu, thân hình trở nên vạm vỡ, có dấu hiệu vỡ giọng.
Nếu nhận thấy con trẻ có tình trạng trên, gia đình nên lập tức đưa bé tới khoa nội tiết nhi tại các bệnh viện uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị.
Làm thế nào để giúp trẻ tránh hiện tượng “dậy thì sớm”?
Ít ăn các thực phẩm giàu estrogen và rau quả trái mùa
Bác sĩ Kim Thịnh Hoa khuyên rằng trong chế độ ăn uống hằng ngày, bố mẹ nên hạn chế cho con thưởng thức những thực phẩm chứa hàm lượng estrogen cao như mật ong, bột protein, sữa non cùng các đồ uống ngọt có chứa chất phụ gia nhân tạo.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng không nên cho con em ăn rau quả trái mùa và các loại cá, tôm, cua nuôi trồng, tránh lạm dụng quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng.
Cũng phải lưu ý thêm rằng một số thực phẩm có hàm lượng calo cao như đồ chiên, quà vặt…có thể gây ra tình trạng dư thừa chất béo, gây rối loạn nội tiết, dẫn đến tình trạng dậy thì sớm và béo phì ở trẻ.
Quan tâm và chăm sóc con cái khoa học mới là cách tốt nhất giúp các bé tránh được hiện tượng "dậy thì sớm". (Ảnh minh họa).
Quan tâm tới đời sống tinh thần của con cái
Các bậc cha mẹ không nên để con trẻ xem ti vi, sử dụng internet quá nhiều.
Khi tiếp xúc với nhiều thông tin không phù hợp với lứa tuổi, vỏ đại não của các em sẽ bị kích thích và khởi động quá trình điều chỉnh trục dưới đồi – tuyến yên – sinh dục (gọi tắt là HPG). Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dậy thì sớm.
Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh
Bác sĩ Kim Hoa Thịnh đặc biệt nhắn nhủ trong sinh hoạt hằng ngày, các bậc phụ huynh không chỉ cần đảm bảo sự cân đối về chế độ dinh dưỡng cho trẻ, mà còn phải nuôi dưỡng cho các em một lối sống lành mạnh.
Cụ thể, cha mẹ nên duy trì giấc ngủ đủ 8 – 9 tiếng/ngày cho con cái. Bên cạnh đó, phụ huynh cần khuyến khích các em kiên trì vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng các hình thức như chạy bộ, leo cầu thang, nhảy dây…
Đừng quên giai đoạn 8 – 9 tuổi ở bé gái và 9 – 10 tuổi ở bé trai là lúc các em xuất hiện những đặc điểm sinh dục thứ phát và trưởng thành với tốc độ nhanh.
Nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường kể trên hoặc không vừa lòng về chiều cao của trẻ, các bậc cha mẹ nên đưa con tới khoa nội tiết nhi tại bệnh viện để kiểm tra.
* Theo Sina News