Ai cũng yêu cái đẹp, dù là trẻ con hay người lớn. Nhưng nhận thức thẩm mỹ của trẻ con khác người lớn, đó là chưa kể trẻ còn chưa đủ độ khéo léo như người lớn để tự làm đẹp cho mình.
Những gia đình nào có con gái hẳn sẽ chẳng lạ gì cảnh các cô công chúa chải chuốt tóc tai, ngắm nghía váy áo mỗi ngày. Và cũng chính vì sở thích làm đẹp này mà nhiều bố mẹ rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Gần đây, một bà mẹ đã "dìm hàng" cô con gái 5 tuổi mình sau khi đăng tải 1 bức ảnh của con lên mạng xã hội. Trong ảnh, bé gái xinh xắn với đôi mắt còn đỏ hoe vì khóc, mái tóc chẳng giống ai khi có một đường băng trắng xóa ở giữa đầu - hậu quả của việc cầm tông đơ cắt tóc chơi.
Đôi mắt đỏ hoe vì pha thử tài làm thợ cắt tóc thất bại thảm hại.
Trước đó, bé gái này đã giấu mẹ lấy chiếc tông đơ cắt tóc ra nghịch. Cô bé nghĩ đến cảnh thợ cắt tóc dùng chiếc tông đơ để tạo kiểu tóc cho mọi người rất đẹp ở quán nên chợt nảy ra ý định cũng sửa sang mái tóc cho chính mình bằng chiếc tông đơ này.
Tuy nhiên, do thiếu kĩ năng và có lẽ cô bé cũng không biết rằng tông đơ chỉ dùng để cắt tóc ngắn cho con trai nên sau vài đường cơ bản đã tạo ngay cho mình một đường băng trọc lóc ở giữa. Bên cạnh đó là một vài vết nham nhở khác rải rác xung quanh.
Cận cảnh "đường băng" trên mái tóc cô bé xinh xắn.
Ở tuổi lên 5, các bé gái đã chú ý khá nhiều đến hình ảnh cá nhân của mình. Vì thế, khi soi mình trong gương, cô bé liền khóc ngon lành, biểu hiện như thể không còn mặt mũi nào dám nhìn ai cả.
Sau khi xem những hình ảnh của mẹ bé đăng tải, cư dân mạng đã rôm rả bình luận: "Xin lỗi bé, mặc dù biết bé đang đau khổ lắm nhưng tôi không thể nhịn cười".
Biểu cảm vô cùng đau khổ.
Trẻ em ở tuổi lên 5 rất thích khám phá và tự ý làm những điều mình thích. Nếu cha mẹ không sát sao chú ý, chúng có thể gặp nhiều rắc rối, thậm chí là nguy hiểm bởi ý thức về những giới hạn, sự an toàn của trẻ chưa được thiết lập hoàn toàn. Đôi khi, cha mẹ không nhận ra những mối nguy hiểm đe dọa trẻ ngay trong nhà mình như dao kéo, hóa chất, tông đơ cắt tóc, thuốc, kim tiêm... Trẻ thì lại rất tò mò với những thứ ít khi được động tới này.
Trong trường hợp trên, cô bé mới chỉ phải lĩnh hậu quả là "quả đầu" mới hơi xấu, nhưng nếu bố mẹ không trông chừng cẩn thận, lần tới, trẻ có thể nghịch phải những thứ nguy hiểm thì sao.
Để tránh trẻ rơi vào những tình huống tương tự, bố mẹ nên làm gì?
1. Để những thứ nguy hiểm xa tầm với của trẻ
Lời khuyên này rất quen thuộc nhưng vẫn cần nhấn mạnh. Muốn phòng tránh cho trẻ, các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, pin, keo dán... luôn phải để ở nơi cao hoặc có khóa mà trẻ không thể tự ý lôi ra nghịch.
Cha mẹ có con nhỏ dưới 3 tuổi phải đặc biệt chú ý vì ở độ tuổi này, đứa trẻ nào cũng hay tò mò. Chỉ cần nhìn thấy những thứ đó trước mắt, trẻ có thể cho vào miệng, nhai, nuốt... rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
2. Thiết lập không gian vui chơi an toàn
Với trẻ nhỏ, cho con vào cũi, dùng quây cũi quây một góc nhà lại, dùng rào chắn cầu thang... là những ý tưởng thiết thực để trẻ chơi trong vùng an toàn. Với trẻ lớn hơn, khi trẻ đã hiểu được lời nói của bố mẹ, người lớn có thể đặt ra quy định chỉ cho con chơi trong phòng khách, phòng ngủ hay ở nơi mà có người chăm sóc giám sát. Khuyến khích trẻ thực hiện nghiêm túc quy định này bằng cách thưởng cho con 1 món quà nho nhỏ chẳng hạn, trẻ sẽ dễ dàng tuân thủ.
3. Giúp con xây dựng giới hạn an toàn
Khoảng 3 tuổi, hầu hết trẻ có thể hiểu được cơ bản những điều cha mẹ nói. Thời điểm này, cha mẹ cần nói cho trẻ thường xuyên và rõ ràng nhất về điều gì nguy hiểm, nơi không nên chạm vào để giúp trẻ xây dựng cảm giác và giới hạn an toàn. Thật kiên nhẫn nhắc lại nhiều lần với con về những điều này, trẻ sẽ dần ghi nhớ và tự thiết lập giới hạn an toàn cho bản thân.