Đến sáng nay 23-3, bé gái 4 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh khi tái khám, trong khi bé trai sơ sinh đã cai máy thở, bú sữa được bình thường.
Trường hợp đầu tiên là bé gái N.T.T.N. (4 tuổi), đến từ Đắk Nông. Theo người mẹ, cháu bé có những cơn mệt mỏi kỳ lạ nên đã đi khám. Các bác sĩ (BS) đã phát hiện ra căn bệnh Moyamoya có tỉ lệ chỉ 0,9/100.000 người.
Các bác sĩ kể lại ca bệnh ngoạn mục
Theo BS chuyên khoa I Phan Minh Trí, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Đồng 1, bệnh lý Moyamoya gây tổn thương đến mạch máu não, gây đột quỵ. Trẻ thường gặp tình trạng liệt đột ngột, sau đó hồi phục nhanh, nhưng rồi tiến triển nặng theo thời gian với những cơn thiếu máu não, rồi cuối cùng là một cơn đột quỵ dẫn đến tử vong. Trước đây, các ca bệnh thường có tiên lượng xấu.
Tuy nhiên nhờ kỹ thuật mới chỉ mới triển khai lần thứ 3 tại bệnh viện, cháu bé có thể trở về cuộc sống bình thường sau khi hoàn tấn 2 cuộc mổ. Ca bệnh này cũng như một lời cảnh báo: trẻ em có thể bị đột quỵ, nếu có dấu hiệu giống đột quỵ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
[Đọc thêm: Ăn đêm có hại thế nào? Sự thật về giờ giới nghiêm của dạ dày bạn cần biết]
Cháu bé đã được phẫu thuật bắc cầu mạch máu gián tiếp trong ngoài sọ bên phải để giải quyết mạch máu bị hẹp 1 bên, sau khoảng 6 tháng, khi mạch máu vừa mổ tái lập tốt, sẽ làm tiếp bên còn lại.
ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, giải thích: "Có thể hiểu nôm na rằng bệnh lý gây một chỗ hẹp, gây tắc trong động mạch não. Phẫu thuật này sẽ mượn một mạch máu khác là mạch máu thái dương nông để làm chiếc cầu cho máu có thể lưu thông tốt trở lại. Với người lớn, có thể can thiệp bắc cầu trực tiếp ngay trên mạch máu bị hẹp, nhưng ở trẻ em điều đó có thể khiến bệnh dễ tái phát. Do đó, chúng tôi đã áp dụng phương pháp mới".
Trường hợp thứ 2 là bé trai sơ sinh, chuyển từ An Giang lên, bị u gan kích thước lên đến 6x7,5x7,7 cm ở thùy trái, nên phải cắt bỏ thùy trái của gan. Bệnh bé này còn hiếm hơn, 1 triệu người mới có 1.
Theo ThS-BS Đào Trung Hiếu, cắt gan ở trẻ sơ sinh là tình huống hiếm trên thế giới, đếm trên đầu ngón tay. Ở Việt Nam, nhóm bác sĩ chưa tìm thấy bất kỳ tài liệu nào ghi nhận về ca cắt gan sơ sinh trước đây. Khác với gan trẻ lớn và người lớn, cơ chế tự cầm máu ở gan trẻ sơ sinh rất kém, dẫn đến nguy cơ tử vong cao do không kiểm soát được chảy máu. Tuy nhiên, đối với bé này, qua siêu âm và CT scan, rõ ràng là một khối u ác tính cần can thiệp gấp. Hóa trị liệu ở độ tuổi này khó thực hiện, trong khi nếu chờ tiếp khối u có thể ăn luôn vào gan phải.
Những tế bào gan có thể tái sinh trở lại và bù vào phần gan bị mất đi, do đó khi đã cắt bỏ phần bệnh lý, phần tế bào gan còn lại sẽ tăng sinh và giúp em bé phục hồi rất tốt. Khối u vẫn đang tiếp tục được phân tích để xác định hướng điều trị tiếp theo, nhưng tiên liệu rằng bé sẽ chỉ cần theo dõi, không phải hóa trị liệu thêm và sẽ trở về cuộc sống bình thường.