Bé gái 4 tuổi bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ đã không qua khỏi sau 7 ngày điều trị

B. Bình |

Bác sĩ khuyến cáo, vào mùa mưa, nhiều loài rắn thường hay bò vào nhà, trong đó có những loài rắn cực độc mà các bệnh viện không có sẵn hoặc không có huyết thanh để chữa trị.

Rắn cạp nia là loài cực độc gây tỉ lệ tử vong rất cao. Ảnh minh họa.

Rắn cạp nia là loài cực độc gây tỉ lệ tử vong rất cao. Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Sô Minh Chiến, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, 7 ngày sau khi bị rắn cạp nia cắn, cháu S.T.N.N., dân tộc Chăm (SN 2018, trú ở buôn Ma Y, xã Phước Tân) đã tử vong vào rạng sáng 22/5.

Theo gia đình nạn nhân, trước đó vào khoảng 0h5' sáng 16/5, trong lúc cháu N. đang ngủ thì bất ngờ lên cơn co giật, nôn mửa. Người mẹ bật dậy kiểm tra thì phát hiện con rắn cạp nia trên người cháu bé nên hô hoán cho cả nhà giải cứu.

Ngay trong đêm, cháu N. được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, nhưng do sức khỏe nguy kịch nên phải chuyển tiếp đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở.

BS Nguyễn Thị Hồng Hương - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên thông tin trên báo Tuổi trẻ, bé N. được Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa chuyển đến bệnh viện lúc 2h30 ngày 16/5 trong tình trạng lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngưng thở. Bệnh viện phải can thiệp đặt nội khí quản ngay cho bé.

Cũng theo BS Hương, từ hình ảnh do người nhà bé chụp lại, bệnh viện xác định đó là rắn cạp nia, một loại rắn rất độc. 

Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đều không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

"Chúng tôi liên lạc với cả 2 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 ở TP.HCM, nhưng trong đó cũng không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này, vì vậy không chuyển viện cho bé được" - BS Minh nói.

Do vậy sau gần 1 tuần nằm viện, diễn tiến bệnh của bé N. nặng hơn, suy gan, thận, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, tiên lượng tử vong nên gia đình xin đưa về nhà.

"Đây là thời điểm chuyển mùa nên các loài rắn, trong đó rắn độc thường hay bò vào nhà. Người dân cần kiểm tra kỹ nhà cửa, bít các lỗ hổng để ngăn rắn, rết. Vì có một số loại rắn độc không có huyết thanh kháng nọc nên tỉ lệ tử vong khi bị loài rắn này cắn là rất cao", báo Dân trí dẫn lời khuyến cáo của Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên.

Theo nguồn tin của báo Dân trí được biết, gia đình cháu N. là đồng bào dân tộc thiểu số nên thường ngủ, sinh hoạt trên các nhà sàn cách mặt đất khá cao.

"Nhà cháu là nhà sàn, mái tôn, sàn gỗ cũng được lắp rất kỹ càng. Nhưng không hiểu vì sao rắn cạp nia có thể chui vào chỗ ngủ và cắn cháu" - người thân cháu N. chia sẻ với PV báo trên.

Rắn cạp nia (tên khoa học Bungarus candidus) là loài cực độc, tỷ lệ tử vong do rắn cắn có thể lên đến 75% nếu không được cấp cứu kịp.

Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synape và đặc biệt độc tố tiền synape, gây liệt mềm kéo dài.

Nọc rắn cạp nia tại Việt Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu.

Hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không kịp thời đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu tích cực bằng các biện pháp hồi sức, thở máy và tiêm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại