Ảnh minh họa
TS.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám Đốc Trung tâm khám và điều trị, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, là bác sĩ trực tiếp tham gia cuộc mổ bắt con cho bé 12 tuổi. Bác sĩ Cường cho biết sản phụ nhí đã sinh con, mẹ tròn con vuông. Hiện, sức khỏe của 2 mẹ con ổn định.
Bác sĩ Cường cho biết khi khám cho trường hợp bé 12 tuổi trên, các bác sĩ đã tính toán tới phương án sinh thường và sinh mổ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thì việc sinh thường có thể sẽ gây ra thêm sang chấn cho trẻ nên ekip đã quyết định mổ bắt con.
"Trẻ mổ có thể để lại tổn thương ở trên tử cung nhưng em bé sẽ thuận lợi và nhanh hơn, giảm được sang chấn cho cả mẹ và con", bác sĩ Cường chia sẻ.
Nguy cơ khi trẻ vị thành viên sinh con
Với trường hợp bé 12 tuổi mang thai, nghi bị xâm hại, bác sĩ Cường cho biết trẻ sẽ chịu sang chấn rất lớn. Trẻ mới 12 tuổi, còn rất nhỏ để hiểu rõ quá trình sinh nở như thế nào. Ngoài ra, khi sinh con ở tuổi vị thành niên, cơ thể trẻ phát triển chưa đầy đủ, sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm.
Bác sĩ Cường cho biết trẻ vị thành niên làm mẹ khi chưa sẵn sàng tâm lý sẽ không có kỹ năng chăm con, nuôi con, có thể ảnh hưởng rất lớn đến em bé. Không chỉ vậy, trẻ vị thành niên sinh con còn dễ bị ảnh hưởng đến tinh thần, nguy cơ trầm cảm sau sinh cao vì các em thường phải chịu những lời bàn tán, đàm tiếu của những người xung quanh.
Không chỉ người mẹ chịu ảnh hưởng mà cả em bé cũng có những thiệt thòi nhất định. Do mẹ còn trẻ, có thể chưa hiểu được chăm sóc một đứa trẻ ra sao.
Qua trường hợp của bé 12 tuổi mang thai, nghi bị xâm hại, bác sĩ Cường khuyến cáo hiện nay, việc giáo dục giới tính tại Việt Nam đã được đề cập tới nhiều nhưng vẫn chưa đồng đều. Do vậy, giáo dục giới tính cho trẻ là rất quan trọng, trong đó nhà trường, gia đình phải là hạt nhân và có liên hệ mật thiết với nhau.
Trang bị kiến thức giới tính cho trẻ
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thể chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, nhiều cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Do đó, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
TS Loan lưu ý trẻ tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.
Theo số liệu thống kê của Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng lên liên tục qua các năm. Cụ thể, tỉ lệ này năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%. Tương ứng, tỉ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%, 2,4% và 2,3%.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo ở các nước đang phát triển có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ độ tuổi 15 đến 19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.