Arlyn Calos đã từ chối tiêm phòng vaccine sởi cho 2 con mình vài năm trước. Ảnh: Al Jazeera
Vài năm trước, nhân viên y tế đã đến nhà Calos, yêu cầu cô tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho con của mình, nhưng Calos đã từ chối.
Sau đó, khi dịch sởi hoành hành ở Philippines vào năm 2019, Jennlyn 3 tuổi, con gái đầu lòng của Calos đã bị sốt cao và phát ban. Calos đưa bé đến bệnh viện, nhưng đứa trẻ đã qua đời chỉ vài ngày sau đó. Một tuần sau, đứa con thứ hai của cô, John Paul, 8 tháng tuổi, cũng mắc bệnh và qua đời.
Khi tỉ lệ tiêm phòng sởi ở Philippines giảm dần, các trường hợp mắc căn bệnh chết người này đã gia tăng nhanh chóng. Vậy lý do Calos và nhiều bậc cha mẹ khác từ chối tiêm vaccine cho con họ là gì?
“Nhiều người nói rằng điều này rất nguy hiểm. Vì vậy tôi đã rất sợ hãi”, Calos nói.
Nguyên nhân sâu xa của nỗi sợ này bắt nguồn từ vụ bê bối vaccine đã từng gây rúng động Philippines nhiều năm trước.
Sự việc liên quan đến Dengvaxia, loại vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi đầu tiên trên thế giới. Được phát triển bởi công ty dược phẩm Pháp Sanofi Pasteur, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine đã làm giảm các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nặng khoảng 93%.
Vào năm 2016, loại vaccine này đã được triển khai tiêm chủng tại Philippines với nhiều hứa hẹn tốt đẹp, một phần trong nỗ lực nhằm giảm tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu.
Nhưng những quảng bá rầm rộ về vaccine Dengvaxia chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ở Philippines. Vào tháng 11/2017, nhà sản xuất Sanofi đã bất ngờ thừa nhận vaccine của họ có thể gây ra bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn ở những trẻ em chưa từng mắc căn bệnh này trước đó.
Tuy nhiên, không ai trong số hơn 30.000 trẻ em trong cuộc thử nghiệm lâm sàng tử vong vì bệnh sốt xuất huyết. Tất cả các trường hợp “sốt xuất huyết nặng” đều tương đối thuyên giảm.
Ở nhiều nơi khác, tuy cảnh báo về Dengvaxia đã được đưa ra nhưng việc phân phối loại vaccine này vẫn tiếp tục được triển khai. Danh tiếng của loại vaccine này đã bị tổn hại đáng kể.
Chính phủ Philippines đã đình chỉ sử dụng loại vaccine này. Các quan chức y tế liên quan đến việc triển khai vaccine cũng đã bị thẩm vấn.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin sai lệch về Dengvaxia lan truyền trên mạng xã hội cũng khiến các bậc cha mẹ có con đã được tiêm phòng phẫn nộ và vô cùng lo sợ.
Philippines có số người dùng Facebook lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, với 72,5 triệu người dùng. Trong đó, những người theo dõi trang Facebook phản đối vaccine tại Philippines đã tăng lên 190.000 người kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trang này cũng thu hút hàng triệu lượt tương tác, chia sẻ và bình luận.
Dẫn đầu làn sóng phản đối vaccine là Văn phòng luật sư công của Philippines, một dịch vụ pháp lý đại diện cho những người nghèo tại quốc gia này. Văn phòng đã điều tra cái chết của 160 trẻ em, những người mà họ nói đã tử vong vì vaccine sốt xuất huyết Dengvaxia.
Tuy nhiên, chưa có mối liên hệ khoa học nào giữa vaccine và những ca tử vong.
Theo khảo sát của dự án Vaccine Confidence, Philippines đã từng rất tin tưởng vào vaccine. Vào năm 2015, 93% người dân cho rằng vaccine rất quan trọng. Tuy nhiên, đến năm 2018, mức độ tin tưởng này đã giảm, chỉ còn 32%. Cũng chỉ có 21% người được khảo sát tin rằng vaccine an toàn. Trong khi đó, chỉ có 22% người được khảo sát tin rằng vaccine thực sự có hiệu quả.
Kể từ khi niềm tin vào vaccine giảm mạnh, nhiều bệnh trẻ em có thể phòng ngừa được đã bùng phát trở lại tại Philippines. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế đã rất thất vọng khi chứng kiến điều này, chẳng hạn như Giáo sư Dịch tễ học lâm sàng Charles Yu.
“Việc quá hoảng loạn đã khiến không ai thực sự lắng nghe lời giải thích về những gì đã xảy ra”, Giáo sư Charles Yu, nhà khoa học đang giám sát một số thử nghiệm vaccine COVID-19 khác nhau ở Philippines, nói.
Theo Cơ quan thăm dò dư luận Pulse Asia, chỉ có ít hơn 1/3 người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19. Trong số những người Philippines được khảo sát không muốn tiêm chủng, 84% cho biết họ không chắc chắn về độ an toàn của nó.
Vì bê bối Dengvaxia, Philippines đã trở thành một ví dụ hàng đầu về những điều không nên làm khi giới thiệu một loại vaccine mới. Tuy nhiên, các chuyên gia như ông Yu không mất hy vọng vào điều đó.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn có thể vươn lên từ bi kịch. Có lẽ chúng ta có thể là một ví dụ điển hình về việc đứng lên và chống lại những sai trái."
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn đang chạy đua đảm bảo đủ nguồn cung vaccine cho hầu hết người dân. Hiện tại Philippines đang đàm phán mua 178 triệu liều vaccine COVID-19 đủ tiêm cho 92 triệu dân. Con số này vượt xa mục tiêu ban đầu là 148 triệu liều, theo Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez.
Dự kiến khoảng 3 triệu liều vaccine sẽ được bàn giao trong tháng 2 và phần tiếp theo được giao trong quý 3 và 4 năm nay. Chính phủ dự kiến ưu tiên tiêm trước cho các nhân viên y tế và lực lượng lao động tuyến đầu như lái xe, nhân viên dịch vụ thực phẩm.
Philippines vẫn đang chìm sâu trong đại dịch COVID-19 khi số ca mắc vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong 24 giờ qua, Philippines đã ghi nhận thêm trên 1.690 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của nước này lên 539.995 trường hợp với 11.231 ca tử vong.