Bức thư tuyệt mệnh
Cách đây 1 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ từ chức nếu có bằng chứng cho thấy ông có liên quan tới một thỏa thuận bất động sản. Cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng nào xuất hiện nên ông Abe vẫn có thể đứng trên bê bối và tiếp tục nắm quyền.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những bước ngoặt đầy tiêu cực liên quan tới vụ việc.
Mới đây, một quan chức tài chính, người chịu trách nhiệm giám sát giao dịch, đã được phát hiện chết trong tư gia ở Kobe. Trong thư tuyệt mệnh, ông tỏ ra lo lắng về khả năng mình sẽ buộc phải gánh tất cả trách nhiệm.
Người này cũng cho biết, cấp trên đã yêu cầu ông ta thay đổi thông tin nền trong các tài liệu chính thức bởi các thông tin này quá chi tiết. Theo NHK, quan chức này khẳng định ông không hành động một mình mà tuân theo chỉ đạo từ Bộ tài chính Nhật Bản.
Guardian dẫn nguồn tin cho hay, các bản sửa đổi được thực hiện hồi đầu năm ngoái, bao gồm cả việc xóa bỏ những thông tin liên quan tới ông Abe và bà Akie trước khi các tài liệu này được chuyển cho các điều tra viên trong Quốc hội.
Tương lai của ông Abe
Theo một báo cáo Chính phủ, các bằng chứng có thể đã bị xóa và điều này có thể khiến ông Abe rơi vào trung tâm của sự chú ý. Kết quả điều tra nội bộ của Bộ Tài chính cho rằng, một số quan chức đã làm xáo trộn các tài liệu nhằm xóa các mối liên quan giữa thỏa thuận trên với vợ ông Abe và các thành viên cấp cao trong Đảng của ông này.
Bộ Tài chính Nhật Bản cũng đã thừa nhận, cơ quan này đã chỉnh sửa 14 tài liệu xung quanh vụ bán đất công ở mức giảm 85% cho đơn vị chủ quản trường Morimoto, liên quan tới bà Akie, phu nhân ông Shinzo Abe.
Phát hiện trên khiến dư luận Nhật Bản giận dữ và kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Taro Aso từ chức. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, ông Aso nói ông sẽ tại vị.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso. Ảnh: Reuters
Ông Aso cho rằng vụ gian lận tài liệu này chỉ giới hạn trong một ít các quan chức của Bộ Tài chính. "Chỉ một số nhân viên Bộ Tài chính liên đới trong vụ sửa đổi này", ông nói. "Đây không phải là trường hợp cả Bộ Tài chính đều dính líu. Nhưng thật đáng tiếc nếu niềm tin cho Bộ đều biến mất".
Các nhà phân tích cho rằng những tiết lộ này sẽ gây tổn hại đến con đường chính trị của ông Abe trong khi ông đang chuẩn bị ứng cử nhiệm kỳ thứ ba.
"Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi rõ rệt về viễn cảnh tương lai của ông Abe," Tobias Harris, một nhà phân tích về Nhật Bản tại Cục nghiên cứu Teneo, một công ty chuyên về đánh giá rủi ro chính trị tại New York, cho biết, "Cơ sở giúp ông Abe tiếp tục tại vị đang tan thành mây khói".
Mặc dù liên tục xuất hiện những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp đối lập yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi, ông Abe vẫn giành thế đa số tại nghị viện vào mùa thu vừa qua, đặt ông này vào vị trí có thể trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới.
Thủ tướng cũng đưa ra lời xin lỗi ngắn trước khi các tiết lộ này được công bố. "Với tư cách là một nhà lãnh đạo, tôi thành thật xin lỗi", ông Abe nói trong một bài diễn văn. Ông cũng nói rằng ông hy vọng cuộc điều tra sẽ "mở ra toàn bộ sự thật".
Cuộc khảo sát mới đây cho thấy, mức độ ủng hộ dành cho ông Abe đã giảm. Theo khảo sát của Yomiuri Shimbun, tỉ lệ tín nhiệm vào nội các giảm dưới mức 50% lần đầu tiên trong 5 tháng. Một cuộc điều tra tương tự cũng cho thấy 80% người trả lời nói rằng chính phủ đã không xử lý thỏa đáng vụ Morimoto.
"Ảnh hưởng chính trị và uy tín của chính quyền ông Abe sẽ giảm mạnh vì tai tiếng này", ông Jiro Yamaguchi, một giáo sư nghiên cứu về khoa học chính trị tại đại học Hosei, Tokyo phát biểu.
Các nhà phân tích nhận định, nếu vụ việc kéo dài thì vị trí cũng như kế hoạch của ông Abe sẽ bị đe dọa. Ngay cả khi ông Abe có thể dập tắt những lời kêu gọi từ chức thì cơ hội để ông tái ứng cử vào vị trí lãnh đạo Đảng trong cuộc bầu cử vào tháng chín cũng đã sụt giảm.
Reuters nhận định: Đây là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất đối với ông Abe kể từ khi lên nhậm chức cách đây 5 năm.