Bê bối email của Hillary Clinton: Sự thật về một vụ việc được FBI "chôn xuống, đào lên"

T.T |

Vụ bê bối email của bà Clinton thực chất là gì? Tại sao người ta cứ chôn xuống, rồi lại đào lên những thông tin này ở đúng thời điểm nhạy cảm của cuộc bầu cử?

11 ngày trước bầu cử, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố mở lại cuộc điều tra bê bối sử dụng email cá  nhân vào việc công của bà Hillary Clinton.

Vụ việc được khui ra từ cuối năm 2015 và tưởng như đã khép lại vào tháng 7 năm nay, khi FBI tuyên bố không một "công tố viên có lý trí" nào sẽ chịu khởi tố bà Clinton.

Thế nhưng, ở giai đoạn nhạy cảm này, vấn đề lại được khơi ra, và FBI nói họ có bằng chứng mới. Vậy thực chất, vụ bê bối này đã diễn ra như thế nào, và tại sao người ta cứ chôn xuống lại đào lên như vậy? Bài viết của nhà báo Anthony Zurcher đăng trên BBC cho thấy một cái nhìn toàn cảnh.

Các email của bà Clinton có vấn đề gì?

Ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao, năm 2009, bà Hillary Clinton đã thiết lập một máy chủ email tại nhà riêng ở Chappqua, New York. Từ đó bà đã sử dụng máy chủ này để duy trì địa chỉ email [email protected], cho tất cả các liên lạc điện tử của mình, cả cho việc công lẫn việc tư trong suốt 4 năm tại chức.

Bê bối email của Hillary Clinton: Sự thật về một vụ việc được FBI chôn xuống, đào lên - Ảnh 1.

Nhà riêng của bà Clinton ở New York, nơi đặt máy chủ email cá nhân của bà

Bà cũng được cho là đã tạo các địa chỉ email trên máy chủ này cho trợ lý lâu năm của mình, Huma Abedin, và Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Cheryl Mills.

Bà Clinton đã không sử dụng và thậm chí cũng không hề kích hoạt tài khoản email với đuôi state.gov, mà nếu có sẽ được đặt trên một máy chủ do chính phủ Mỹ sở hữu và quản lý.

Vụ việc vỡ lở vào tháng 3/2015, khi báo New York Times đăng bài trong đó nêu nhận định rằng hệ thống email của bà Clinton "có thể đã vi phạm các quy định của chính quyền Liên bang" và "đáng báo động".

Tại sao bà Clinton làm như vậy?

Theo lời bà Clinton, thì lý do chủ yếu là để thuận tiện. Trong một cuộc họp báo ở LHQ, bà cho biết thích chỉ phải mang theo 1 chiếc smartphone với 1 địa chỉ email duy nhất, thay vì phải lỉnh kỉnh cầm một lúc 2 thiết bị, một cho việc công, một cho việc tư.

Các báo cáo cho biết, ở vào thời điểm đó, điện thoại Blackberry dùng cho viên chức chính phủ không thể truy cập cùng lúc nhiều địa chỉ email.

Tuy nhiên, những người hoài nghi cho rằng lý do thật sự khiến bà Clinton thiết lập hệ thống email cho riêng mình là vì nó cho phép bà toàn quyền kiểm soát mọi thư từ, và quyết định chia sẻ hay không chia sẻ thông tin nào với chính phủ.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ, vào năm 2010 bà Clinton đã nói với Phó Chánh văn phòng của mình rằng một mối lo của bà về sử dụng email là bà "không muốn bất cứ rủi ro nào về việc các thư cá nhân bị tiếp cận".

Cuộc điều tra của FBI phát hiện ra rằng bà Clinton đã sử dụng "nhiều thiết bị điện tử cá nhân" trong khi tại chức và liên lạc qua vài máy chủ email khác nhau. Nhân viên của bà Clinton còn khai với FBI rằng họ đã dùng búa để hủy một số thiết bị điện tử cũ của sếp, nhưng vẫn còn vài chiếc không rõ tung tích.

Việc này có phạm luật không?

Có lẽ là không. Hệ thống email của bà Clinton tồn tại trong một vùng xám của luật - và đã có vài thay đổi trong lĩnh vực này kể từ khi bà rời cương vị Bộ trưởng.

Khi Hillary Clinton trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, quy định của Luật Hồ sơ Liên bang năm 1950 quy định các quan chức sử dụng tài khoản email cá nhân phải đảm bảo những thư tín liên quan đến công việc được giao nộp cho chính phủ.

Mười tháng sau bà Clinton khi nhậm chức, một quy định mới cho phép sử dụng email cá nhân chỉ khi các hồ sơ liên bang được "bảo quản trong một hệ thống lưu trữ phù hợp".

Bà Clinton khẳng định rằng yêu cầu này đã được đáp ứng vì phần lớn những email của bà từ tài khoản cá nhân được gửi đến, hoặc chuyển tiếp đến những người có tài khoản email chính phủ, vì vậy chúng được tự động lưu lại.

Những email còn lại đều được giao nộp cho Bộ Ngoại giao khi bà, và một vài nhân vật tiền nhiệm, được yêu cầu vào tháng 10/2014.

Bà Clinton nói rằng đó là trách nhiệm của các nhân viên chính phủ "trong việc quyết định đâu là thư riêng tư và đâu là thư liên quan đến công việc" và rằng bà đã hoàn thành "vượt yêu cầu".

Tháng 11/2014, Tổng thống Barack Obama ký Luật Hồ sơ Tổng thống và Liên bang Sửa đổi, bao gồm yêu cầu các quan chức chính phủ phải chuyển tiếp bất cứ thư từ nào liên quan đến công việc cho chính phủ trong vòng 20 ngày.

Nhưng ngay kể cả theo đạo luật này, việc xử lý vi phạm cũng chỉ ở mức hành chính, không xử lý hình sự.

Có tất cả bao nhiêu email liên quan?

Theo lời Hillary Clinton, bà đã gửi hoặc nhận tổng cộng 62.320 email trong thời gian làm Bộ trưởng Ngoại giao. Một nửa trong số đó, 30.490 email, với dung lượng khoảng 55.000 trang, là liên quan đến công việc và đã giao nộp cho Bộ Ngoại giao.

Bà Clinton cho biết những email còn lại là thư cá nhân, liên quan đến những vấn đề như đám cưới của con gái Chelsea, đám tang của mẹ bà và "lịch học yoga."

Bê bối email của Hillary Clinton: Sự thật về một vụ việc được FBI chôn xuống, đào lên - Ảnh 2.

Bà Clinton cho biết, một nửa email từ hòm thư cá nhân của bà là thông tin riêng, trong đó có cả việc chuẩn bị đám cưới cho con gái.

Theo yêu cầu của bà Clinton, tháng 5/2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một phần những email được gửi từ tài khoản cá nhân của bà, trong đó có nhiều email thông tin về vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi năm 2012.

Đầu tháng 8/2015, bà Clinton ký một lời tuyên thệ, trong đó nói bà đã giao nộp toàn bộ những bản sao các hồ sơ của chính phủ trong thời gian bà tại nhiệm.

Trong quá trình điều tra, FBI đã tìm thấy "vài nghìn" email liên quan đến công việc chưa được giao nộp cho Bộ Ngoại giao, mặc dù cuối cùng cơ quan này kết luận những email này được xóa trước năm 2014 và không phải bị cố tình xóa đi "với mục đích che giấu sự tồn tại của chúng."

Khoảng 3.000 email sẽ được đưa ra trước công chúng trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử, nhưng còn rất nhiều những email khác sẽ không được xử lý xong cho đến sau ngày đó.

Bà Clinton không phải chính trị gia duy nhất dùng email cá nhân cho công việc?

Đúng vậy. Danh sách những người làm tương tự như bà Clinton bao gồm nhiều quan chức khác. Một người tiền nhiệm của bà Clinton, ông Colin Powell, Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush cũng đã sử dụng một email cá nhân trong thời gian tại nhiệm. Ông thậm chí còn dùng nó để trao đổi với lãnh đạo nước ngoài.

Cựu Thống đốc bang Florida, Jeb Bush cũng dùng email cá nhân ([email protected]). Giống như bà Clinton, ông đã công bố một số email.

Theo kết quả khảo sát do Tạp chí Government Executive tiến hành vào tháng 2/2015 với 412 quan chức cấp cao trong chính quyền liên bang, 33% người được hỏi nói rằng họ đã sử dụng email cá nhân trong công việc chính phủ "ít nhất vài lần."

Sự khác biệt trong vụ của bà Clinton không phải do hành vi mà do mức độ: Bà chỉ sử dụng duy nhất email cá nhân trong mọi trường hợp. Và, khác với ông Jeb Bush, các hành động của bà chịu sự giám sát của luật liên bang.

Bê bối email của Hillary Clinton: Sự thật về một vụ việc được FBI chôn xuống, đào lên - Ảnh 3.

Cựu Ngoại trưởng Colin Powell cũng từng dùng email cá nhân cho việc công

Tại sao vụ việc gây tranh cãi?

Sự việc trở nên nghiêm trọng phần lớn là bởi bà Clinton đang yêu cầu nhân dân Mỹ tin tưởng vào việc bà sẽ tuân thủ cả "ngôn từ và tinh thần của luật pháp".

Lời giải thích của bà Clinton cũng khó chấp nhận đối với nhiều người. Bởi ở vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, bà Clinton luôn có một đoàn tùy tùng đông đảo đủ sức giúp bà mang thêm điện thoại.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 2/2015, chính bà Clinton cũng đã tiết lộ rằng bà khi đó đang mang theo nhiều thiết bị điện tử: Một chiếc iPhone và một chiếc Blackberry, cũng như một chiếc iPad và một chiếc iPad mini.

Thêm vào đó, người ta cũng lo ngại rằng các thông tin của bà Clinton dễ bị tin tặc và các tổ chức tình báo nước ngoài chiếm đoạt, do sự phụ thuộc vào một hệ thống email "tự cung tự cấp" tại nhà.

Vậy chính xác thì email của bà Clinton bảo mật đến đâu?

Bà Clinton từng khẳng định "không có lỗ hổng an ninh vào" trong máy chủ của bà và các biện pháp bảo vệ được cài đặt "đã chứng tỏ sự hiệu quả và an toàn."

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng độc lập đã nói rằng những tin tặc xuất sắc có thể xâm nhập các máy chủ email mà không để lại dấu vết. Và những hệ thống an ninh trên thị trường không thể so sánh được với các hệ thống được chính phủ bảo vệ (dù ngay cả các hệ thống này cũng không phải là chắc chắn tuyệt đối, và chính email của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nhiều lần bị tấn công).

Bà Clinton cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng không có bất cứ tài liệu mật nào được chuyển qua tài khoản email của bà và bà chỉ gửi một email cho một quan chức nước ngoài, là người Anh.

Nhưng vào tháng 7/2015, Chánh Thanh tra của cộng đồng tình báo Mỹ, Charles McCullough, trả lời trước Quốc hội rằng bà Clinton đã gửi ít nhất 4 tin nhắn chứa thông tin được rút ra từ tài liệu mật. Một tháng sau đó, ông McCullough tiết lộ rằng có 2 email chứa thông tin được đánh giá "tuyệt mật", mức phân loại an ninh cao nhất.

Đến tháng 3/2016, điều tra cho thấy, trong số email của bà Clinton, tổng số email được tái phân loại lên mức thông tin mật đã vượt quá 2.000.

Vào tháng 5/2016, Guccifer, tin tặc người Romania, hiện đang bị tù ở Mỹ vì tội xâm phạm thông tin trái phép, nói với Fox News rằng hắn đã tiếp cận thành công máy chủ email của bà Clinton vài lần. Tuy nhiên, đội ngũ tranh cử của bà Clinton đã phủ nhận thông tin này, và Bộ Ngoại giao cũng cho biết không có bằng chứng.

Tháng 7/2016 FBI cho biết không tìm thấy "bằng chứng trực tiếp" về những truy cập trái phép lên các máy chủ email của bà Clinton. Nhưng cơ quan này cho rằng, việc thiếu các biện pháp bảo mật chắc chắn có nghĩa là "có khả năng các lực lượng thù địch đã có được quyền truy cập."

Tình tiết mới là gì?

Thông báo của FBI vào cuối tháng 10/2016 cho biết, họ đã phát hiện những email mới "trong một vụ việc không liên quan… có vẻ có dính líu đến cuộc điều tra".

Giám đốc FBI James Comey nói rằng các điều tra viên sẽ cân nhắc xem liệu các email này có chứa thông tin mật hay không.

Tuy nhiên, dức thư ông Comey gửi cho Quốc hội Mỹ lại rất mơ hồ. Không có bất cứ thông tin nào về "một vụ việc không liên quan" dẫn đến việc mở lại các điều tra là vụ gì, hay có bao nhiêu email đang trong phạm vi điều tra.

Điều đó sẽ chỉ thúc đẩy những đồn đoán và các tin tức rò rỉ từ "những nguồn trong chính phủ" chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào lửa trong những ngày tới.

Những người chống bà Clinton sẽ mở cuộc tấn công, dùng tin tức mới nhất này để hỗ trợ cho khẳng định của họ rằng cựu Bộ trưởng Ngoại giao đã có hành vi phạm pháp. Những người ủng hộ bà sẽ dành những ngày sắp tới trong tư thế phòng thủ, tìm cách xác định mức độ tổn thất.

Điều duy nhất có thể chắc chắn là dù sự kiện này có thực sự nghiêm trọng hay không, nó vẫn đẩy chiến dịch tranh cử của bà Clinton vào thế khó. Ngay cả trường hợp bà Clinton vào được Nhà Trắng, những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của bà sẽ bị che phủ bởi cái bóng u ám của vụ bê bối dai dẳng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại