Không sai khi nói rằng, ruồi giấm đóng góp 1 vai trò cực lớn cho nhiều thành tựu khoa học, trong đó có nhiều nghiên cứu đoạt giải Nobel.
Với việc sở hữu ADN giống người tới 60%, ruồi giấm được chọn làm đối tượng thí nghiệm trong nhiều công trình khoa học. Vậy nên, nhà di truyền học Steve Jones từng nhận định rằng: "Gần như ruồi giấm sinh ra để giúp các nhà khoa học vậy".
Nhưng liệu nghe tên ruồi giấm đã lâu nhưng bạn đã từng mục sở thị chúng chưa? Hãy cùng tìm hiểu ngay nào!
1. Ruồi giấm - nhỏ nhưng có võ
Tuy chỉ bé bằng nửa hạt vừng nhưng cấu tạo cơ thể của loài này chứa đựng nhiều điểm đáng kinh ngạc.
Mắt ruồi giấm có cấu tạo vô cùng phức tạp, là mắt kép với hàng nghìn mắt nhỏ phía trong. Mỗi mắt nhỏ này lại được trang bị các thấu kính tí hon và các nón pha lê giúp truyền tải ánh sáng đến các tế bào cảm thụ.
So với mắt thường, mắt kép hiển nhiên có ưu thế hơn hẳn. Chúng cho phép ruồi giấm có góc nhìn rộng hơn và có khả năng phát hiện những chuyển động nhỏ nhất nhanh hơn rất nhiều lần so với mắt thường.
Ngoài ra, bộ não siêu tí hon của loài này chứa đến hơn 150.000 neuron thần kinh. Con số này chưa là gì so với 80 tỉ neuron trong não bộ con người, tuy nhiên, não ruồi giấm đã được xem là "hàng khủng" so với não bộ của các loài động vật lớn như chuột.
Cận cảnh mắt của ruồi giấm
Thêm nữa, vận tốc đập cánh của ruồi giấm là khoảng 200 lần/giây. Khi bị đe dọa, chúng có thể tăng tốc và liệng chuyển hướng bay chỉ trong 1/100 giây, nhanh gấp 50 lần so với một cái chớp mắt của con người.
2. "Anh hùng" trong giới nghiên cứu sinh học
Với các đặc điểm vô cùng ưu việt, sinh vật này được các nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu, đối chiếu với cơ thể người.
Ngoài ra, chúng còn được NASA nghiên cứu với mục đích sử dụng trong các thí nghiệm đưa con người lên vũ trụ trong tương lai.
Theo Sharmila Bhattacharya - một trong các nhà nghiên cứu sinh học tại trung tâm nghiên cứu thuộc NASA: "Ruồi giấm và con người có ADN giống nhau đến 60%, và 50% số chuỗi protein trong gene của loài này giống với gene của loài có vú".
Số lượng gene của ruồi giấm cũng không quá khác biệt so với con người (14.000 gene so với 24.000 gene).
Ngoài ra, với tốc độ sinh sản nhanh đến chóng mặt, vòng đời ngắn, ruồi giấm là loài lí tưởng để các nhà khoa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Ở điều kiện nhiệt độ thường, tức là khoảng 25oC, chỉ sau 10 hoặc 12 ngày, một cặp ruồi giấm có thể cho ra hàng trăm con ruồi mới với cấu trúc gene hoàn toàn giống gene bố mẹ. Nhờ đó, các nhà sinh học có thể dễ dàng nghiên cứu sự tiến hóa gene qua các thế hệ.
Theo ước tính, những thành quả mà các nhà khoa học thu được khi nghiên cứu ruồi giấm trong 30 năm ngang bằng với việc sử dụng chuột trong phòng thí nghiệm trong… 200 năm.
3. Khứu giác "không đùa được"
Các tế bào ung thư có cấu tạo hóa học khác với các tế bào khỏe mạnh. Theo nghiên cứu của ĐH Konstanz (Đức) và ĐH La Sapienza (Italia), nhiều loài động vật, trong đó có ruồi giấm, có thể phân biệt được điều này dựa vào việc… ngửi!
Cụ thể, dưới kính hiển vi, các tế bào thần kinh của ruồi giấm sẽ phát sáng khi tiếp xúc với phân tử chứa mùi. Khi các nhà khoa học cho 5 đoạn khác nhau của tế bào ung thư vú đến gần râu của loài này, họ nhận thấy các đoạn này gây ra các phản ứng hoàn toàn khác với tế bào thần kinh của ruồi giấm.
Như vậy, chúng ta không chỉ có thể phân biệt tế bào có bệnh và tế bào khỏe mạnh, mà chúng ta còn có thể xác định các đoạn khác nhau của các tế bào ung thư.
Nguồn: Menta Floss, Natural News