Thân thể D bé nhỏ mới 7 tuổi đã phải oằn mình chịu trận tạt nước sôi. Ảnh: Đại đoàn kết & Lao động
Căn nhà gỗ xập xệ
Những ngày qua, vụ việc bé Hà Thị D (7 tuổi, trú tại xóm Quét, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cùng mẹ và em gái 2 tuổi bị hàng xóm dội cả bình nước sôi vào người gây bỏng nặng khiến dư luận bức xúc.
Căn nhà gỗ xập xệ của gia đình bé D nằm sâu trên con đường đất nhỏ bé, trơn trượt ở xã Đông Cửu, cách trung tâm TP.Việt Trì hơn 2 giờ di chuyển.
Trên con đường đất lầy lội ấy, một ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, nhiều chỗ đã hở hoác ra sau thời gian dài chịu mưa nắng, mái được lợp bằng fibro xi măng cũ kỹ là nơi ở của gia đình 5 người. Cả nhà không có lấy một vật dụng gì có giá trị, chỉ có chiếc giường mỏng manh, bên cạnh là ngổn ngang những bao ngô vừa thu hoạch.
Gương mặt chưa hết bàng hoàng sau sự cố cả gia đình vừa trải qua, anh Hà Văn C (bố cháu D) vừa khóc vừa chỉ những vết sẹo chằng chịt hằn sâu trên tấm lưng nhỏ của con cho PV Lao Động xem rồi nói: "Q (người hắt nước sôi vào 3 mẹ con D) cũng có anh em với gia đình tôi, chẳng biết mâu thuẫn gì với vợ tôi mà nỡ lòng ra tay dã man như thế".
Trên tấm lưng của đứa bé mới 7 tuổi chằng chịt những vết sẹo trông vô cùng đau lòng. Cháu chưa hết sợ hãi sau hành động tàn nhẫn của người hàng xóm.
Liên lạc với chính quyền địa phương để hỏi về vụ việc, PV Đại Đoàn kết được ông Hà Văn Cách, Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho hay: "Gia đình cháu D hiện thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hôm xảy ra vụ việc, chính quyền xã phải bỏ tiền ra để thuê taxi đưa các nạn nhân lên Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn để cấp cứu. Số tiền điều trị thì theo thỏa thuận giữa hai gia đình, gia đình chị Q phải thanh toán hết".
Chia sẻ thêm với báo trên, ông Cách cho biết anh Hà Văn C vốn chậm chạp, sức khỏe yếu, đi làm thuê nay đây mai đó. Còn chị T (mẹ cháu D) chỉ ở nhà làm nương rẫy, đồng áng, chăm sóc các con nên gia đình chạy ăn từng bữa, vô cùng nghèo.
Kẻ dội nước sôi 3 mẹ con có thể bị xử lý thế nào?
Vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 20h ngày 20/6, chị Hà Thị Q (28 tuổi, trú tại xóm Quét, Đông Cứu, Thanh Sơn) do nghi ngờ chị Hà Thị T (26 tuổi, ở cùng xóm) có quan hệ bất chính với chồng chị Q là Trần Văn T (29 tuổi) nên đã lên kế hoạch dằn mặt bằng cách đun nước sôi, chắt vào 1 ca nhựa.
Sau đó, chị Q cầm xuống nhà chị T rồi hất vào người chị T khi đó đang ngồi trên giường cùng cháu Hà Thị D (7 tuổi), Hà Văn Th (5 tuổi) và cháu Hà Thị L (2 tuổi) - đều là con đẻ của chị T.
Hậu quả của sự việc, chị T, cháu D và cháu L bị thương phải đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn. Kết quả giám định thương tích chị T bị tổn hại 15%, cháu D bị tổn hại 15% và cháu L bị tổn hại 6% sức khoẻ.
Nhận định dưới góc độ pháp lý về vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho báo Dân Việt hay: Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ, có tính chất côn đồ… sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Thơ khẳng định với nguồn trên, cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích cụ thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác.
Trong vụ việc này, hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp (người thực hiện mong muốn hậu quả là gây thương tích cho người khác) hoặc cố ý gián tiếp (người thực hiện không mong muốn nhưng chấp nhận hậu quả sẽ gây thương tích cho người khác) nhưng đều sẽ phải chịu sự xử phạt của pháp luật.
Tổng hợp