Ngày 27/6, Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) cho biết, phía bệnh viện này vừa điều trị thành công cho một bé trai 2 tuổi với bệnh lý tắc tá tràng bẩm sinh hiếm gặp, tỷ lệ trẻ mắc bệnh là 1/6000 trẻ.
Theo người nhà bé P. cho biết, từ lúc mới sinh bé đã xuất hiện tình trạng nôn ói. Đặc biệt, từ lúc ăn dặm và ăn thô thì bé P. càng xuất hiện nhiều hơn tình trạng nôn ói. Dù đã hơn 2 tuổi nhưng bé P. chỉ nặng hơn 7kg.
Trước tình trạng trên, bố mẹ đã đưa bé P. đi khám nhiều bệnh viện nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh.
Hình ảnh chụp chiếu trong dạ dày bé P. và phát hiện bệnh lý tắc tá tràng hiếm gặp.
Ngày 14/6/2019, sau nhiều ngày suy dinh dưỡng nặng, nôn ói, bé P. được bố mẹ đưa vào bệnh viện Quốc tế Vinh để thăm khám và điều trị.
Tại đây, các bác sỹ tiến hành thăm khám, chụp chiếu thì phát hiện dạ dày bé P. giãn to đến tá tràng. Các bác sỹ sau đó đã chẩn đoán bé P. bị tắc tá tràng không hoàn toàn do màng ngăn niêm mạc.
Sau khi thăm khám, bé P. được chỉ định phẩu thuật giải phóng màng ngăn niêm mạc. Ngày 21/6, bác sỹ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ màng ngăn tá tràng và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.
Sau 2 ngày phẫu thuật, bé P. đã có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau 5 ngày.
Bác sỹ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Tuấn trực tiếp phẫu thuật cho bé P. thông tin, bệnh tắc tá tràng là dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa làm bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng (đoạn đầu của ruột non). Đây là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/6000 ở trẻ mới sinh.
"Bệnh lý tắc tá tràng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời trẻ bị tắc đường tiêu hóa, ói mất dịch, sụt cân, rối loạn điện giải, sốc, co giật và có thể dẫn đến tử vong", bác sỹ Tuấn nói.