Nhu cầu lớn, giá vé đắt đỏ, lượng bán nhỏ giọt... là thực tế mà nhiều người ra Bắc dịp Tết nguyên đán phải đối mặt. Những chuyến bay thẳng với số lượng vé mỗi ngày chỉ 5-10 vé cho mỗi khung giờ, giá dao động từ 2,8 đến 5,5 triệu đồng (đã gồm thuế phí) không phải là "hàng" dành cho tất cả những người có nhu cầu.
Để tiết kiệm chi phí bay từ TP.HCM về Hà Nội trong những ngày cuối tháng 1/2017, nhiều khách hàng đã phải tìm cách bay vòng qua một điểm đến quốc tế hoặc đặt vé bay thẳng cách xa ngày Tết, vừa nhằm tiết kiệm chi phí, vừa để chắc chắn sẽ về được Hà Nội trong dịp đoàn viên.
Với những khách chọn bay sang nước ngoài, Bangkok (Thái Lan) năm nay là lựa chọn duy nhất, thay vì có thể bay qua Malaysia như một vài năm trước đây.
Theo đó, khách sẽ chọn bay từ Tân Sơn Nhất tới sân bay Don Mueang, nghỉ lại chờ chuyến nối khoảng 4-8 tiếng để quay về Nội Bài. Hai hãng hàng không có chuyến nối với mức giá hợp lý là Nokair và AirAsia.
Vừa tiết kiệm vừa được đi du lịch
Từng sử dụng cách bay này, anh Duy, nhân viên tại một công ty đóng tàu ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nào anh cũng về quê ăn Tết nhưng số tiền thưởng Tết không đủ để chi trả tiền vé bay thẳng. Do đó, anh quyết định đặt vé bay nối sang Bangkok.
Theo đó, nếu chọn bay từ TP.HCM sang Bangkok bằng AirAsia, khách phải trả tiền vé 45 USD, sau đó bay trở lại Hà Nội sau đó 4 tiếng với giá vé 68 USD (đã bao gồm thuế, phí sân bay). Tổng cộng cả phí thanh toán bằng thẻ, khách sẽ phải trả khoảng 115 USD, tương đương 2,6 triệu đồng.
Tương tự như anh Duy, chị Lan, nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3, TP.HCM cho hay, năm nay chị quyết định đặt chuyến bay vòng ra Hà Nội ăn Tết cho cả gia đình, vừa kết hợp về quê ăn tết vừa tranh thủ thời gian cho cả nhà đi du lịch nước ngoài.
Chị sẽ đặt vé cách chuyến khoảng vài ngày để gia đình vừa có thời gian đi thăm quan, du lịch vừa tranh thủ mua sắm đồ đạc, mua quà Tết cho mọi người ở quê nhà.
Không dành cho mọi người
Chỉ có thể chọn một điểm trung chuyển duy nhất trong dịp Tết Đinh Dậu nên những khách hàng quyết định bay vòng để về quê sẽ không có nhiều lựa chọn tiết kiệm như những năm khác. Số tiền chênh lệch vé máy bay, do đó, không quá nhiều, dù khách vẫn có thể phải đối mặt với rủi ro chậm, hoãn, hủy, mất thêm tiền lưu trú hoặc tiền ăn tại điểm trung chuyển.
Thực tế, việc bay vòng qua một nước thứ hai chỉ áp dụng cho những người có nhu cầu bay từ TP.HCM về Hà Nội nhưng không mua được vé dưới 3 triệu đồng/lượt. Những khách hàng đi về từ các tỉnh khác nếu bay vòng sẽ hầu như không tiết kiệm được tiền, khi vé tàu xe mua bổ sung sẽ tăng cao và "ăn sạch" ngân quỹ.
Theo chị Oanh, nhân viên kinh doanh tại quận 1, TP HCM, nữ khách hàng này vẫn quyết định mua vé bay thẳng thay vì bay vòng bởi đến tận 27-28 Tết mới được nghỉ lễ. Lúc này thì vé giá rẻ bay ra nước ngoài sẽ không còn nữa, chi phí bay thẳng hay bay vòng là tương đương nhau.
"Mua vé như vậy có lúc là lợi bất cập hại. Nếu ở lại sân bay quá lâu, sẽ phải mất thêm tiền lưu trú, tiền mua đồ ăn nhẹ. Tệ hơn là chỉ cần một chiều bay nào đó gặp trục trặc, rủi ro sẽ lớn hơn nhiều so với bay thẳng.
Nếu chiều bay từ TP.HCM có hoãn, hủy, vé bay về từ Bangkok đến Hà Nội coi như mất trắng, chẳng được đền bù. Còn nếu gặp rắc rối tại sân bay Bangkok, thậm chí còn tắc lại ở nước ngoài, thậm chí cơ hội về quê dịp Tết có thể chẳng còn",chị Oanh chia sẻ.
Trước đó, theo thông tin từ Vietnam Airlines, hãng bay này sẽ tăng tải cung ứng cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu từ ngày 15/1 đến ngày 13/2/2017 (tức từ ngày 18 tháng Chạp đến ngày 17 tháng Giêng Âm lịch) nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong dịp này.
Cụ thể, hãng sẽ bổ sung thêm gần 900 chuyến bay, tương ứng hơn 185.000 ghế, nâng tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng đường bay nội địa trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán lên đến hơn 1,6 triệu ghế, tăng khoảng 13% so với thường lệ và tăng 46% so cùng kỳ năm 2016.