Kết quả chuyến bay trinh sát khí tượng sẽ giúp chỉ huy bay có hạ quyết tâm thực hiện ban bay chính thức hay không, và xác định kế hoạch bay, phương án bay nào…
Máy bay An-26 của Lữ đoàn 918 thực hiện chuyến bay trinh sát khí tượng. Ảnh: THÀNH TRUNG
Đại tá Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ cho biết, trong ba giai đoạn bay thì chuyến bay trinh sát khí tượng nằm trong giai đoạn chuẩn bị trực tiếp trước khi bay.
Bay trinh sát khí tượng do chỉ huy bay hoặc chỉ huy cất hạ cánh trực tiếp cùng với phi công có kinh nghiệm tiến hành.
Phi công chỉ đủ điều kiện bay trinh sát khí tượng trong điều kiện thời tiết phù hợp với trình độ kỹ thuật bay khi đã được bồi dưỡng về lý thuyết và đào tạo bay trinh sát khí tượng sau khi được chỉ huy có thẩm quyền phê chuẩn bằng văn bản.
Điều kiện khí tượng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ban bay và độ an toàn bay nên phi công, từ khi được đào tạo lái máy bay đã được học môn khí tượng học.
Những kiến thức về khí tượng sẽ hỗ trợ thiết thực cho phi công trong quá trình hoạt động trên không. Đặc biệt, chuyến bay trinh sát khí tượng có vai trò quan trọng giúp chỉ huy bay hạ quyết tâm thực hiện ban bay, tuần tự đúng kế hoạch bay linh hoạt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Vì có hai người thực hiện chuyến bay nên công tác hiệp đồng, phân công nhiệm vụ đã được thực hiện chặt chẽ từ mặt đất, một người bay, một người quan sát và báo cáo qua đối không về sở chỉ huy.
Bay trinh sát khí tượng trước hết nhằm xác định hình thái của thời tiết, bao gồm tầm nhìn, độ cao đáy mây, trần mây và tốc độ gió trên không của khu vực đỉnh sân bay và các không vực thực hành huấn luyện.
Tầm nhìn, bao gồm cả tầm nhìn ngang và tầm nhìn thẳng đứng. Cùng với đó là, phi công phải nắm được độ che phủ của mây là bao nhiêu phần. Và loại mây. Mây trên trời có nhiều loại. Mỗi độ cao như độ cao thấp, độ cao trung bình, tầng bình lưu và tầng cao lại có những loại mây khác nhau.
Độ cao thấp thường có mây Cu. Cao hơn nữa, có mây Sc. Rồi mây Ac, mây Si... Có khi mây kết thành từng đám, có khi vón cục. Có loại mây hiền từ giăng giăng như một cái màn. Cũng có loại dựng đứng, cuộn lên như mây Cu công. Nguy hiểm nhất là mây tích điện (mây Cb).
Hoạt động trong khu vực này, máy bay thường bị rung xóc mạnh, hoặc vào dòng thăng, giáng, khí áp đối lưu; thậm chí có nguy cơ bị sét đánh. Quan trọng nhất trong chuyến bay khí tượng, phi công không chỉ nắm được khí tượng mà phải có khả năng phán đoán xu thế phát triển của thời tiết.
Nghĩa là, có thể nhìn những đám mây ở thời điểm hiện tại để dự báo nó sẽ tan đi hay dày thêm trong một vài giờ đồng hồ tiếp theo; hướng gió sẽ thay đổi như thế nào, có thể triển khai ban bay đúng kế hoạch được hay không.
Ngoài ra, bay trinh sát khí tượng còn phải xác định mức độ ổn định, gió cạnh, tầm nhìn khi cất, hạ cánh hay cũng phải nắm điều kiện thời tiết khi bay điều hướng, phục vụ sân bay dự bị…
Nhiều việc kết hợp cùng một lúc nên trong chuyến bay trinh sát khí tượng, phi công dù không phải thực hiện những động tác phức tạp nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của chuyến bay, phi công phải được lựa chọn là những người có trình độ và khả năng bay trong điều kiện khí tượng phức tạp cao hơn dự báo.
Bay trinh sát khí tượng cho ban bay đêm lại có cái khó riêng. Khi tổ chức ban bay đêm, chuyến bay trinh sát khí tượng được thực hiện kết thúc trước lúc mặt trời lặn ít nhất 30 phút.
Cũng có khi cất cánh khi trời còn sáng, hạ cánh khi trời chưa tối hẳn, tức là bay từ vùng sáng xuống vùng tối, hệ thống đèn dưới mắt đất chưa phát huy tác dụng, phi công rất bị hạn chế tầm nhìn. Thời gian thực hiện chuyến bay khí tượng tùy thuộc vào từng loại máy bay và nhiệm vụ bay.
Thường thì chuyến bay trinh sát khí tượng được thực hiện bắt đầu kiểm tra theo vòng kín (vòng lượn của sân bay đó), đường bay trinh sát thường đi qua hầu hết các không vực hoạt động bay trong kế hoạch ban bay để phi công có thể quan sát, nắm tình hình thời tiết, khí tượng ở những không vực thực hành huấn luyện.
Nếu bay đường dài hoặc chuyển sân, bay trinh sát khí tượng phải thực hiện đến cự li tối đa cho phép.
Bay trinh sát khí tượng đôi khi phi công cũng trải qua những cảm giác thú vị. Chẳng hạn, ở những thời điểm bình minh hay hoàng hôn, mây tan từ những cơn mưa tỏa ra những ánh hào quang cầu vồng trông như những nan quạt long lanh.
Tuy nhiên, cái phần thơ mộng như hào quang ấy chỉ là thoảng qua. Với các phi công thực hiện chuyến bay trinh sát khí tượng, việc tập trung cao độ để nắm và phán đoán tình hình thời tiết, khí tượng luôn được chú trọng đúng mực.
Các ban bay có được triển khai sau đó đúng thời điểm, có bảo đảm kế hoạch, hiệu quả hay không, phụ thuộc vào kết quả chuyến bay trinh sát khí tượng và khả năng đánh giá, phân tích đúng tình hình khí tượng của người phi công bay trinh sát khí tượng.
Bay trinh sát khí tượng đã góp phần không nhỏ cho việc bảo đảm an toàn cho những chuyến bay trong ban bay.