Gia đình Ovitz sau khi được trả tự do. Ảnh: Wikimedia Commons
Ban nhạc tạp kỹ Liliput gồm bảy anh em. Tất cả đều là người lùn. "Nhà Ovitz" là cái tên mà những người hàng xóm gọi các thành viên của gia đình Ovitz người Do Thái này. Họ bắt đầu được biết đến vào những năm 1930 và nhanh chóng nổi tiếng khắp châu Âu, thậm chí còn được mời biểu diễn trước Vua Charles II của nước Anh.
Sau khi quân Đức chiếm đóng Transylvania, các thành viên nhóm Liliput biết họ sẽ bị bắt nhốt vì mang nguồn gốc Do Thái. Vì vậy, bảy anh em này đã cất giấu tất cả của cải vào trong một cái hố đào dưới gầm xe ô tô.
Anh em nhà Ovitz, gồm năm người con gái và hai người con trai, bị đưa đến trại Auschwitz cùng với hàng trăm người Hungary khác. Khi họ bước vào cổng trại, tất cả đều ăn mặc thanh lịch. Một sĩ quan Đức quốc xã đã gọi khẩn cấp cho bác sĩ Josef Mengele.
Mengele nổi tiếng đam mê những “dị nhân”, từ người ái nam ái nữ cho đến người có vóc dáng khổng lồ. Việc bảy người lùn vào trại Auschwitz đã trở thành niềm vui của ông này. Nghe tin bảy thành viên của ban nhạc Liliput đến, Mengele nhảy ra khỏi giường và muốn gặp họ ngay lập tức.
Trong khi chờ đợi bác sĩ, bà Perla Ovitz, lúc đó 23 tuổi, nhớ lại cảnh tượng mọi người được đưa đến một tòa nhà có hai ống khói mà từ đó khói liên tục bốc ra. Bà Perla ngây thơ nghĩ đó là lò bánh mì, nhưng nhanh chóng bị một bạn tù khác “thức tỉnh” rằng: “Ở đây làm gì có lò bánh mì. Đây là Auschwitz và cô sẽ sớm phải vào trong cái lò đó”.
Mặc dù, sự hiếu kỳ của bác sĩ Mengele đối với các “dị nhân” đã cứu họ thoát khỏi cái chết, nhưng 7 người lùn làng Rozalvea vẫn phải hứng chịu những trò thí nghiệm nghiệt ngã.
Bà Perla Ovitz (bên phải) và bà Elizabeth Ovitz. Cả bảy anh em người lùn đều có ngoại hình ưa nhìn và tài năng âm nhạc. Ảnh: Rare Historical Photos
“Tôi đã chờ đợi điều này 20 năm nay rồi!”, Josef Mengele kêu lên khi nhìn thấy bảy người lùn. Tên bác sĩ độc ác này đơn giản là đã bị gia đình Ovitz mê hoặc. Cách đó vài tháng, ông ta đã xả khí gas làm chết ngạt 500 phụ nữ để dập dịch sốt phát ban ở trong trại tập trung người Do Thái.
Chỉ trong ba giờ kể từ khi họ đặt chân đến trại tử thần này, nhiều người Do Thái cùng có mặt trên tàu với họ đã chết. Cả bảy thành viên nhóm Liliput và người thân của họ đều được tha mạng. Tổng cộng là 22 người.
Gia đình Ovitz nói với bác sĩ Mengele rằng cha của họ cũng là một người lùn và đã hai lần kết hôn với những phụ nữ cao lớn bình thường. Kết quả, họ sinh ra bảy người lùn và ba đứa con bình thường.
Giống như những tù nhân khác, các thành viên của gia đình Ovitz bị nhốt trong trại và được cho ăn một loại súp đặc. Họ không được phép cạo râu, nhưng lại được giữ quần áo mà họ mang theo ở lại bên mình.
Ban đầu, bác sĩ Mengele chỉ muốn lấy máu của họ, nhưng việc này đã bị lặp lại hàng tuần và làm suy kiệt gia đình Ovitz yếu ớt.
“Ông ta đã đâm chọc chúng tôi một cách cẩn thận và máu chảy ra. Tôi thường xuyên chóng mặt và nôn mửa. Khi vừa về đến chỗ trại nhốt, chúng tôi lại bị gọi quay trở lại chỗ bác sĩ”, Perla Ovitz nói.
Mengele cũng không biết chính xác ông ta muốn gì ở họ, mặc dù lấy máu và chụp X-quang họ hàng tuần.
Theo các tài liệu, bác sĩ này đã làm các xét nghiệm định kỳ về các vấn đề ở thận và gan, nhưng ông không phát hiện ra bất kỳ dấu vết nào về căn bệnh người lùn. Sau đó, ông ta bắt đầu kiểm tra bệnh giang mai và tra tấn họ, đổ nước lạnh và nước nóng vào tai họ. Bà Perla nói rằng cách tra tấn bằng nước rất đau đớn và khiến họ gần như phát điên. Các bác sĩ cũng đã nhổ răng và lấy mẫu gien của họ đi xét nghiệm.
Gia đình Ovitz tại một buổi biểu diễn vào năm 1938. Ảnh: Rare Historical Photos
“Chúng tôi đã quen với ý nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội rời khỏi trại”, bà Perla Ovitz trả lời một cuộc phỏng vấn cách đây hơn 10 năm. Nhưng bác sĩ Josef Mengele một lần nữa đã cứu họ khỏi cái chết đau đớn vì bị ngạt khí. Nhóm Liliput thậm chí còn nghe thấy thông tin về việc bác sĩ Mengele đã ra lệnh sát hại hai người lùn khác để lấy xương của họ trưng bày ở Berlin.
Dù phải hứng chịu những thí nghiệm đau đớn, bà Perla chia sẻ giữa những người lùn này và bác sĩ Mengele tồn tại một tình bạn kỳ lạ. Trong mắt Perla, bác sĩ Mengele giống như một ngôi sao. Mọi người nói rằng mỗi khi ông có tâm trạng tốt, ông thường tìm đến thăm bảy người lùn. Tất cả anh em nhà Ovitz đều đối xử tôn trọng với vị bác sĩ này.
Một ngày nọ, Mengele thông báo rằng họ sẽ được ra khỏi trại để biểu diễn trước những nhân vật quan trọng. Họ được cung cấp các bộ trang điểm để trở nên đẹp nhất. Nhóm Liliput đã lên sân khấu đứng trước hàng trăm sĩ quan SS của Đức quốc xã. Đám đông hô hoán ra lệnh: “Cởi quần áo đi!”.
Run rẩy che đi phần nào thân thể, nhóm người lùn phải đứng trần trụi trước cả căn phòng. Trên thực tế, anh em nhà Ovitz đã được đưa lên sân khấu để làm minh họa cho bài phát biểu của bác sĩ Mengele rằng chủng tộc Do Thái đã thoái hóa thành người tàn tật và người lùn như thế nào. Cuối cùng, khán giả đã đứng lên vỗ tay. Các sĩ quan SS chạy lên sân khấu để nhìn kỹ hơn những người lùn.
Toàn bộ thành viên gia đình Ovitz đều sống sót vượt qua quãng thời gian ở trại Auschwitz. Ảnh: Rare Historical Photos
Năm 1945, gia đình Ovitz được đưa ra khỏi trại Auschwitz và sau vài tháng ở Moskva, họ trở về nước. Về lại làng Rozavlea, gia đình người lùn này đã tìm thấy đồ trang sức của họ chôn dưới gầm xe ô tô.
Năm 1949, gia đình này di cư đến Israel, nơi họ tiếp tục biểu diễn các chương trình tạp kỹ. Bà Perla, thành viên cuối cùng của gia đình người lùn Ovitz, đã qua đời vào ngày 9/9/2001 vì các nguyên nhân tự nhiên.