Bóng mực có hình vòm, khung được làm bằng tre, xung quanh bao phủ lớp lưới có mắt nhỏ. Phía trên đầu bóng mực được ngư dân làm lá cây đủng đỉnh hoặc ni lông màu đen để che phủ nhằm tạo nên vùng tối, bên trong có gắn chùm trứng.
Thắc mắc về cấu tạo của bóng mực, phóng viên Dân Việt có trò chuyện với ngư dân Nguyễn Tầm (45 tuổi), anh Tầm giải thích: Khi nhìn thấy chùm trứng treo lủng lẳng bên trong bóng, mực sẽ tìm cách chui vào để đẻ trứng sẽ bị dính.
Dụng cụ bắt mực có tên gọi là Bóng mực.
Trừ những ngày biển động, có sóng to và gió lớn, việc đánh bắt mực bằng bóng diễn ra quanh năm. Vị trí đánh bắt mực bằng bóng là những vị trí có gò cát, rạn san hô nằm ở độ sâu 5-7m so với mặt nước và cách bờ trên dưới khoảng trăm mét.
Chở bóng mực đi thả.
Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, ngư dân lại dùng thuyền thúng máy, chèo tay chở bóng với số lượng 70-100 cái ra thả, đến cuối giờ chiều lại ra kéo lên để bắt mực chui vào, rồi thả bóng mới (bóng cũ đem về chà rửa cho sạch, tránh để lại mùi bị mực phát hiện, không chui vào), đến hôm sau lại ra kéo lên.
Thành quả sau một ngày đi thả bóng thu về.
Theo người dân nơi đây, có lẽ do từ thời cha ông đã đánh bắt mực bằng dụng cụ này nên mới được đặt tên là xóm Bóng. Dần về sau cách bắt mực bằng bóng lan dần ra nhiều vùng biển khác ở Quảng Ngãi.
Vệ sinh bóng cũ trước khi đi thả.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ngày trước mực còn nhiều, với số lượng đánh bắt được 5-10 kg/người, tiền bán thu về cả triệu đồng/ngày/người nên xóm Bóng có cả trăm hộ làm nghề này.
Tuy nhiên gần đây nhưng do nhiều nguyên nhân nên mực ít dần, với số mực bắt được chỉ còn 1-2 kg/người/ngày, nhiều lúc về tay không nên hiện trong xóm chỉ còn khoảng 20 hộ còn theo nghề.