Con tàu tỷ đô Voyager 1 được NASA phát triển vào thế kỷ 20, nặng 815 kg và được phóng vào vũ trụ từ ngày 5/9/1977. Nhiệm vụ ban đầu của tàu Voyager 1 không phải là thăm dò không gian giữa các vì sao, bởi các chuyên gia không cho rằng máy phát điện của con tàu này có thể duy trì hoạt động lâu như vậy.
Theo đó, mục đích chính ban đầu của Voyager 1 là thăm dò Sao Mộc và Sao Thổ. Năm 2012, tàu Voyager 1 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên có thể chạm đến không gian liên sao.
Tàu Voyager 1 cùng với "người anh em" Voyager 2 đều được cung cấp năng lượng nhờ plutonium, một nguyên tố phóng xạ có khả năng tạo ra năng lượng hạt nhân thông qua những phản ứng phân hạch. Vì vậy, dù được phóng cách đây 45 năm, nhưng các thiết bị điện tử trên tàu Voyager 1 vẫn hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, vì năng lượng của tàu Voyager 1 sắp cạn kiệt, nên trong những năm gần đây, NASA đã tiến hành ngừng hoạt động của nhiều bộ phận trên con tàu này để đảm bảo khả năng cung cấp năng lượng.
Voyager 1 hiện cách xa Trái Đất 23,5 tỷ km. Ảnh: NASA
Hiện tại, tàu Voyager 1 cách xa Trái Đất tới 23,5 tỷ km và vẫn đang tiếp tục di chuyển xa thêm, nên mọi dữ liệu cho dù là nhỏ nhất từ con tàu này vẫn được các nhà khoa học quan tâm.
Thế nhưng, có một vấn đề được nhiều người quan tâm rằng tại sao suốt 45 năm du hành trong không gian, tàu Voyager 1 lại chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng? Con tàu tỷ đô này đã gặp phải điều gì trong hành trình bay và tại sao nó lại không va vào một tiểu hành tinh nào trong không gian?
Trên thực tế, theo các chuyên gia, tàu Voyager 1 đáng lẽ phải đi qua 2 khu vực "dễ xảy ra tai nạn". Thứ nhất là vành đai tiểu hành tinh ở giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Thứ hai là vành đai Kuiper, nằm ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương.
Hai khu vực này là những nơi có mật độ tiểu hành tinh tương đối dày đặc, nhưng con tàu Voyager 1 lại đi qua mà không gặp bất kỳ rủi ro nào. Nguyên nhân thực sự là gì?
Phân tích về tình hình cơ bản của vành đai tiểu hành tinh sẽ giúp hé mở về nguyên nhân. Cụ thể, vị trí của vành đai tiểu hành tinh là nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Trên thực tế, 98,5% các tiểu hành tinh được con người phát hiện là từ đây.
Ngoại trừ Pallas, Vesta, Juno và Ceres có kích thước lớn hơn, các tiểu hành tinh còn lại ở trong khu vực này đều rất nhỏ, thậm chí một số còn khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các nhà thiên văn còn ước tính rằng tổng khối lượng của các tiểu hành tinh ở vành đai chính có thể chỉ bằng 3% khối lượng của Mặt Trăng.
Theo các chuyên gia, sở dĩ tàu Voyager 1 có thể đi qua khu vực này thành công hóa ra không liên quan tới may mắn. Thay vào đó, nguyên nhân cơ bản là do sự phân bố vật chất trong vành đai tiểu hành tinh rất mỏng và kích thước của các tiểu hành tinh hầu hết đều rất nhỏ.
Chúng ta có thể thường bị đánh lừa bởi những hình ảnh được hiển thị trong các sự kiện va chạm tiểu hành tinh hoặc những bộ phim khoa học viễn tưởng khác nhau, vì cho rằng vành đai tiểu hành tinh rất hẹp và đông đúc. Nhưng trên thực tế, vành đai tiểu hành tinh ước tính là một khu vực rất rộng lớn.
Ngay cả khi có những tiểu hành tinh chưa được phát hiện thì tình hình ở vành đai tiểu hành tinh vẫn sẽ không đông đúc. Do đó, tàu Voyager 1 có thể bay qua khu vực này một cách suôn sẻ.
Tương tự, liệu tàu Voyager 1 có thể vượt qua vành đai Kuiper mà không bị va chạm?
Các tiểu hành tinh trong vành đai Kuiper dù có kích thước lớn hơn đáng kể nhưng vẫn không gần nhau. Hơn nữa, tàu Voyager 1 không vượt qua vành đai Kuiper. Nguyên nhân là do con tàu này đã đến quá gần Mặt Trăng Titan của Sao Thổ nên quỹ đạo của nó bị lệch.
Voyager 1 lần đầu được cập nhật phần mềm sau 45 năm
Cuối tháng 8/2022, đại diện NASA cho biết, sau nhiều tháng bị lỗi và gửi dữ liệu rác cho trạm điều khiển tại Trái Đất, tàu Voyager 1 đã hoạt động bình thường trở lại. Voyager 1 được cập nhật phần mềm quan trọng để vá lỗi truyền dữ liệu rác và đây cũng là lần đầu tiên con tàu này được cập nhật phần mềm sau 45 năm.
Tàu Voyager lần đầu được cập nhật phần mềm sau 45 năm. Ảnh: NASA
Trước đó, vào tháng 5/2022, các chuyên gia của NASA phát hiện con tàu Voyager 1 gặp vấn đề ở đâu đó trong hệ thống AACS (hệ thống để giữ cho ăng ten của tàu hướng về phía Trái Đất). Theo các chuyên gia, dù phần còn lại của tàu vũ trụ này vẫn hoạt động bình thường, nhưng những thông tin gửi về bao gồm tình trạng và ghi chép về những hoạt động trên tàu lại không có ý nghĩa gì.
Để khắc phục sự cố này, các kỹ sư của NASA đã tiến hành chọn cách là gửi một lệnh tới tàu Voyager 1 để hệ thống AACS của con tàu này sử dụng đúng một máy tính khác cho việc liên lạc về Trái Đất.
Đây là một giải pháp sửa chữa rủi ro thấp nhưng lại tốn thời gian. Cụ thể, do Voyager 1 hiện bay cách xa Trái Đất tới 23,5 tỷ km và vẫn tiếp tục bay xa hơn, nên NASA phải mất tới gần 22 giờ để truyền hoặc nhận dữ liệu từ con tàu này .
Tuy nhiên, sau khi giải quyết xong sự cố về dữ liệu trên tàu thăm dò Voyager 1, NASA lại tiếp tục nghiên cứu về một bí ẩn khác. Đó là điều gì đã gây ra sự cố trên?
Bà Suzanne Dodd, Giám đốc của dự án Voyager, cho biết: "Chúng tôi rất vui khi lại nhận được về dữ liệu đo từ xa. Chúng tôi cũng sẽ đọc toàn bộ về bộ nhớ của AACS và xem xét mọi thứ mà nó đang làm. Điều này sẽ giúp chúng tôi tìm ra nguyên nhân về sự cố".
Tàu Voyager 1 được kỳ vọng là sẽ tiếp tục di chuyển và hoạt động ít nhất cho đến năm 2025. Ảnh: NASA
Các kỹ sư của NASA nghi ngờ rằng, tàu Voyager 1 bắt đầu gặp phải sự cố dữ liệu sau khi nó nhận được lệnh xấu từ một máy tính khác trên tàu. Điều này có thể gợi ý về một vấn đề khác đang tiềm ẩn ở trong bộ não máy tính của con tàu Voyager 1. Nhóm phụ trách sứ mệnh Voyager không cho rằng đó là mối đe doạ đối với "sức khoẻ" lâu dài của con tàu này.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn muốn biết chính xác về những gì đang diễn ra ở bên trong Voyager 1. Các chuyên gia kỳ vọng, ít nhất cho đến năm 2025, tàu Voyager 1 sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh là truyền dữ liệu từ vùng không gian liên sao.
Bài viết tham khảo nguồn: NASA, Space