Xin gì ở người anh hùng biết từ chối phong chức?
Rất nhanh sau khi trở về từ đền Trần, giám đốc Điện lực Bình Lục (Hà Nam) Nguyễn Hữu Nghị đã bay chức, bị điều sang làm quản đốc phân xưởng xây lắp điện.
Không biết khi lễ, những người như ông Nghị và thuộc cấp có nhìn thấy bài vị của Hưng Đạo Đại Vương và những tùy tướng oanh liệt của ông: Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.
Dĩ nhiên, trong số khách, rất nhiều người đến với mục đích dâng hương tưởng nhớ, chiêm bái các vị tiên hiền. Họ cầu xin sức khỏe, bình an cho mình, người khác và đất nước, chứ không cầu xin những thứ gì họ không xứng đáng được nhận.
Đoàn cán bộ điện lực Bình Lục đi lễ đền Trần: Ảnh cắt từ clip VTV
Nhưng những người như thế chiếm bao nhiêu phần trăm trong số nhiều ngàn người đổ về lễ hội mỗi năm?
Khi chen lấn lấn nhau chỉ để cầu xin ấn, xin bổng lộc, công danh, bao nhiêu người biết được tinh thần của anh hùng dân tộc và các hổ tướng của Ngài?
Nếu là người không có tài đức, họ sẽ xin được gì từ những vị tướng cả đời trọng tài đức, chính trực, ghét hư danh, gian lận?
Đại Việt Sử Ký toàn thư" chép rằng: "Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến.
Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo: "Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc".
Quốc Tuấn trả lời: "Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu.
Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".
Một người kiệt xuất như thế, nhưng vẫn biết từ chối chức tước vì nó có hại cho đại cục, lẽ nào lại ban chức tước cho những người trốn việc đi cầu cạnh, những người thiếu tâm tài đức nhưng lại muốn leo cao, leo nhanh trên đường quan lộ?
Vua Trần phong cho Trần Quốc Tuấn là Thượng Quốc công. Và ở vị trí này ông có quyền được phong tước cho bất kỳ ai từ hầu trở xuống mà không cần phải xin chiếu chỉ, ngay cả tước hầu cũng là phong trước tâu sau.
Nhưng mặc dù vậy, cả đời Trần Quốc Tuấn chưa từng phong tước cho bất kỳ ai, kể cả con cháu thân tộc.
Một con người nói không với lợi ích nhóm, chí công vô tư như vậy, sao có thể phù hộ cho những ai đó muốn đi tắt và thu hoạch trộm trên cánh đồng bổng lộc, danh lợi?
Xin gì người muốn chặt tay kẻ chạy chức?
Bao nhiêu người biết, khi đã có tuổi, danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa Khi đã dâng biểu xin từ chức nhiều lần, cho đến khi được vua chấp thuận mới thôi.
Tại quê nhà nơi ông lui về, người đời đến hàn huyên cuộc cờ chén rượu, tất thảy đều ngưỡng mộ chân dung một vị tướng khí phách, trong sạch.
Một người như thế, sao độ trì cho những kẻ tham quyền cố vị, bám ghế như sam bám nhau, vơ vét đến chuyến tàu cuối cùng?
Bao nhiêu người biết danh tướng Phạm Ngũ Lão, ngay từ nhỏ đã biết nhục khi thấy mình chưa có cống hiến gì cho dân, cho nước.
Khi ở làng có người đỗ tiến sĩ, cả làng kéo đến ăn mừng, riêng Phạm Ngũ Lão thì không.
Mẹ ông hỏi con tại sao không đến, Ngũ Lão thưa: Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm.
Một người như thế, sao có thể phù hộ cho một bộ phận người chưa biết xấu hổ khi cắt xén giờ giấc, tài nguyên của nhà nước, chưa làm nên công trạng gì đã ăn chơi phè phỡn?
Trong đền Trần, còn có một ban thờ các vị quan có công trạng lớn với nhà Trần. Thái sư Trần Thủ Độ là một trong những người có công trạng đặc biệt đối với Trần triều và đất nước.
Nhưng bao nhiêu người biết, Trần Thủ Độ đã dọa chặt tay một người thân vì dám đến đút lót vợ ông để cầu xin một chức trong thôn?
Cũng chính ông, đã ban thưởng cho người tố cáo mình. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Có kẻ không ưa ông, nên đã vào gặp vua Thái Tông, khóc tâu rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?".
Vua Thái Tông cho lính đến bắt người tố cáo ấy và kể lại chuyện cho Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời rằng: "Quả có đúng như những lời hắn nói thật". Sau đó ông đem tiền lụa mà thưởng người tố cáo.
Một người công chính, nhân văn như Trần Thủ Độ, lẽ nào lại không giận dữ khi nghe cầu xin của những kẻ "ăn của dân không từ thứ gì", không cống hiến đã muốn đầy phè bổng lộc?
Lẽ nào những đồng tiền, đồ cúng tiến mang danh "công đức" lại được các bậc tiên hiền chấp nhận, nếu nó xuất phát từ những người thiếu đức, không "vị công" mà chỉ "vị kỷ"?
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. "Yên dân" mới chính là những viên gạch tử tế nhất lót đường quan lộ của ai đó.
Khiến cho dân yên, thì trăm năm bia đá. Còn làm cho dân không yên, thì dù cầu cúng mâm to cỗ đầy thế nào, cuối cùng tên tuổi "quan" sẽ vẫn được ném lên ngàn năm bia miệng.