1.Dùng máy bay không người lái (drone) để thông báo, cảnh báo, mang theo biển hiệu in mã QR thật to (để người ở dưới đất dùng điện thoại quét để đăng ký, khai báo thông tin), phun thuốc khử trùng, chuyển đồ, đo nhiệt độ (dùng công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại). Việc quét mã QR, đo nhiệt độ từ xa giảm nguy cơ lây nhiễm giữa nhân viên y tế, tình nguyện viên với cư dân.
Dùng drone để phòng chống đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
2.Sử dụng robot để phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện (Bắc Kinh, Chiết Giang, Quảng Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam…) và người ở trong khu cách ly. Robot mang đồ dùng, đồ ăn, thuốc men tới tận phòng bệnh nhân và trở lại phòng của y tá.
Một kỹ sư của đơn vị phát triển robot y tế TMiRob Thượng Hải hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng robot ở Bệnh viện Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.
3.Phát triển công nghệ sinh học (biotech). Các công ty liên quan sinh học, y tế, thực phẩm phát triển các dòng thực phẩm chức năng, bổ dưỡng như mỳ ăn liền “dược” bổ sung các thành phần cải thiện hệ miễn dịch. Các công ty công nghệ, công ty sinh học sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nano, phát triển vắc-xin phòng COVID-19. Các phòng khám, phòng xét nghiệm online nở rộ. Các nền tảng y tế trực tuyến như Dingxiangyisheng, Haodaifuzaixian, Pinganhaoyisheng, Weiyi… tung ra dịch vụ chẩn đoán online với các triệu chứng COVID-19. Hiện nay, Viện Damo (Viện nghiên cứu của tập đoàn Alibaba) có thể dùng phân tích trí thông minh nhân tạo (AI) để xét nghiệm COVID-19 với độ chính xác 96% mà chỉ cần xem bản phim chụp cắt lớp (CT scan). Thuật toán mới này có thể giảm đáng kể áp lực đối với bệnh viện, hoàn thành việc phân tích trong 20 giây (bác sĩ phải mất 5-15 phút đọc phim).
Công ty Sinovac Biotech phát triển vắc-xin phòng COVID-19 bằng cách nuôi cấy coronavirus mới trong tế bào vero lấy từ khỉ và bất hoạt virus bằng hóa chất. Ảnh: Xinhua.
4.Phát triển lớp học ảo. Hơn 20 tỉnh thành đã tham gia chương trình học từ nhà. Học sinh tiểu học và trung học học qua livestream. Một số trường đại học cũng áp dụng kiểu học mới này. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cung cấp 24.000 khóa học trực tuyến trên hơn 20 nền tảng online miễn phí. Tất cả để giữ học sinh ở nhà, không ra ngoài, tránh lây nhiễm virus.
Giảng viên và sinh viên trong một lớp học trực tuyến –mô hình mà Đại học Chiết Giang đang phát triển. Ảnh: Reuters.
5.Khuyến khích làm việc từ xa để giữ người lớn ở nhà, tránh tập trung đông người. Trung Quốc phát triển các ứng dụng nhắn tin nhóm, nhắn tin trong tổ chức, hội nghị từ xa như DingTalk của Alibaba. Các công ty có thể theo dõi nhân viên làm việc hoặc làm thêm giờ thông qua ứng dụng một cách tự động. Ứng dụng liên lạc WeChat Work và ứng dụng hội thảo video Tencent Meeting của hãng Tencent đang phục vụ hàng triệu doanh nghiệp. Mạng TikTok tung ra ứng dụng nhắn tin doanh nghiệp Feishu (chú trọng tính năng chia sẻ file, biên tập tài liệu). Ứng dụng này còn có nền tảng quản lý sức khỏe, cho phép người lao động ghi lại vị trí và thân nhiệt của mình hằng ngày.
Ứng dụng Tencent Meeting dành cho doanh nghiệp. Ảnh: Tencent.
6.Bán lẻ không người phục vụ để giảm thiểu tương tác con người. Mở các siêu thị hoạt động 24/7, khách hàng tự phục vụ, tự thanh toán. Các trạm xăng của hãng Sinopec bán đồ tạp hóa kiểu không tiếp xúc: người dùng mua online và hàng được chuyển trực tiếp vào cốp xe. Người mua không cần rời khỏi chỗ ngồi, thậm chí không cần mở cửa kính của xe.
Mua hàng tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Xinhua.
7.Xây dựng các thành phố thông minh, kháng virus. Đó chính là việc tích hợp drone, robot, các nền tảng thương mại điện tử, công nghệ sinh học mới. Đầu tư công và tư nhân vào các thành phố thông minh ở Trung Quốc đã lên tới 74 tỷ USD. Tạo ra một mạng lưới thông tin theo thời gian thực, WeChat và Baidu Maps (bản đồ) đã cung cấp thông tin khám chữa bệnh ở hơn 100 thành phố khắp Trung Quốc, hơn 3.000 phòng khám. Bệnh nhân có thể tìm thấy bệnh viện có chức năng khám chữa sốt, COVID-19 thông qua điện thoại, giảm đáng kể thời gian tìm đường và chờ đợi. Các thành phố thông minh có thể được tích hợp sâu hơn thông qua việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây. Các thành phố này có thể được cung cấp cơ chế cảnh báo sớm để nhanh chóng phát hiện các trường hợp lây nhiễm, thông báo cho cộng đồng và kiềm chế sự lây lan trước khi nó bùng phát.
Trung Quốc đang phát triển hàng trăm thành phố thông minh. Ảnh: CBR Online.