‘Báu vật’ Việt Nam vừa lập kỷ lục mọi thời đại, thế giới nhiệt tình săn đón

Dy Khoa |

‘Báu vật’ này, vừa được báo cáo, bán chạy nhất lịch sử, trị giá bán ra cũng cao nhất.

‘Báu vật’ Việt Nam vừa lập kỷ lục mọi thời đại, thế giới nhiệt tình săn đón- Ảnh 1.

Theo kết quả sơ bộ vừa được Hiệp hội rau quả Việt Nam công bố, năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 5,6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, và vượt 40% kế hoạch đầu năm.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay tăng 65,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này giúp rau quả dẫn đầu nhóm nông sản, vượt các ngành chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn.

So với kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 4 tỷ USD, kim ngạch trên đã tăng 40%. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 11 tháng đạt 3,4 tỷ USD, tăng 148% so với cùng kỳ 2022 và chiếm 65,5% thị phần.

Các thị trường khác như Australia, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng mua 2-31% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Nga và Thái Lan quay đầu giảm nhẹ.

Trong số các loại rau quả xuất khẩu, sầu riêng đóng góp vào sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm này với tỷ lệ chiếm 40% kim ngạch. Tiếp đến là mít, dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng 50-200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 12 đạt trên 379 triệu USD, tăng 1,8% với tháng trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022; nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2023 đạt trên 5,573 tỷ USD tăng 65,6% so năm 2022.

Theo báo cáo này, top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nga.

Về chủng loại, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết với báo chí, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng là nhờ vào việc Việt Nam đã ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Song song đó là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu sầu riêng, đây là loại quả có giá trị cao, lại được Trung Quốc ưa chuộng.

“Từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm. Từ tháng 7/2022, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng tốc. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021. Rõ ràng, nhờ Nghị định thư mà xuất khẩu sầu riêng đạt kết quả rực rỡ như vậy”, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ càng tăng lên đáng kể.

Theo giới chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân như Trung Quốc là rất lớn. Và cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng.

Theo ông Nguyên, để xuất khẩu sầu riêng trong năm tới đạt kết quả cao, theo kịp Thái Lan thì Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

“Tình hình kinh tế đang có nhiều biến động, khả năng người dân Trung Quốc cũng sẽ thắt chặt chi tiêu, dẫn đến việc tăng trưởng trong xuất khẩu sầu riêng trong năm tới không quá đột biến. Mặt khác, khoảng tháng 5/2024, Malaysia được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc”, ông Nguyên phân tích và dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 cán mốc 6 tỷ USD.

Trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này. Cũng trong chuyến thăm này, 2 bên đã ký nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu.

Trong tuyên bố chung của hai nước nhất trí áp dụng các biện pháp để mở rộng quy mô thương mại song phương cân bằng, bền vững. Các biện pháp đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, Hữu Nghị để tăng hiệu suất thông quan cũng được hai nước đồng thuận thúc đẩy.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng vừa cho Việt Nam xuất khẩu trở lại dừa tươi - loại gọt vỏ xanh và một phần xơ trắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại