Theo Sience, nhóm nghiên cứu Mỹ - Bỉ - Đan Mạch dẫn đầu bởi TS Andrew J.Christ từ Đại học Vermont (Mỹ) đã xem xét một lõi băng cổ đại được được khai thác ở độ sâu tận 1.390 m dưới bề mặt vùng Tây Bắc Greenland.
"Báu vật" từ căn cứ mật Camp Century - Ảnh: ĐẠI HỌC VERMONT
Nó đã được đem về bởi các nhà khoa học từ Camp Century, một căn cứ quân sự bí mật của Mỹ hoạt động vào những năm 1960.
Thế nhưng ống đất đá dài gần 4 m này đã bị thất lạc khỏi tủ đông trong suốt hàng thập kỷ, rồi bất ngờ được tìm thấy lần nữa vào năm 2017.
Các nhà khoa học đã quyết định dùng những kỹ thuật hiện đại để phân tích chi tiết và vô cùng sửng sốt khi nhận ra nó không chỉ chứa trầm tích mà còn cả lá và rêu, bằng chứng đánh đổ hoàn toàn quan điểm lâu nay rằng Greenland là một pháo đài băng bất khả xâm phạm suốt 2,5 triệu năm.
Vì có lá và rêu, tức có một khu rừng xanh tươi từng tồn tại ở đó. Đồng nghĩa với việc một phần Greenland từng hoàn toàn mất băng.
Dấu vết của kỷ nguyên không băng kéo dài từ lớp trầm tích của 416.000 đến 400.000 năm trước, theo những gì tiết lộ từ kỹ thuật "xác định niên đại phát quang", giúp định vị được khoảng thời gian chính xác lớp trầm tích đó tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời.
Một Greenland xanh tươi, đầy thực vật và động vật lại là tin xấu với phần còn lại của thế giới, vì không những quá nóng mà còn đối diện với mực nước biển cao hơn hiện nay 1,5-6 m, con số đủ nhấn chìm nhiều thành thị, thậm chí là một phần các quốc gia ngày nay.
Niên đại và cách thức thời kỳ không băng diễn ra cũng cho thấy điều này hoàn toàn có thể lặp lại nếu khí hậu biến đổi đến một mức nào đó, điều có thể xảy ra bởi chính các hành động phá hủy môi trường của con người.
Nhà khoa học khí hậu Joseph MacGregor từ NASA, người không tham gia nghiên cứu này nhưng cũng cùng mối quan tâm, lưu ý rằng hiện nay chúng ta đang ở vùng nguy hiểm vì đã tạo ra nồng độ khí nhà kính cao hơn cả thời kỳ không băng đó.
Hiện tại mức carbon dioxide bẫy nhiệt trong khí quyển lên tận 420 ppm, 400.000 năm trước chỉ là 280 pp.