Amber Room - Căn phòng hổ phách là một trong những tuyệt phẩm vô giá của nhân loại. Căn phòng rộng 16,7m2 được chế tác hoàn toàn bằng 6 tấn hổ phách(1) cùng với một lượng lớn vàng lá, đá quý và gương, có giá trị bằng khoảng 142 triệu USD ngày nay(2).
Là tặng phẩm do đức vua Phổ(3) là Frederick William I tặng cho Nga hoàng Peter I, căn phòng hổ phách được xem là biểu tượng hòa bình của hai quốc gia Nga-Phổ và được sử gia gọi là "Kỳ quan thứ 8" của thế giới.
Vẻ đẹp hiếm thấy của căn phòng hổ phách. Ảnh: Internet
Năm 1701, người ta tiến hành thiết kế và xây dựng căn phòng độc nhất vô nhị trong lịch sử này nhằm tôn vinh công lao to lớn của vị vua Phổ đầu tiên xuất chúng của mình.
Dưới bàn tay điệu nghệ của những người thợ lành nghề đến từ Phổ và Đan Mạch (là nhà điêu khắc trường phái baroque Phổ Andreas Schlüter và nghệ nhân hổ phách Đan Mạch Gottfried Wolfram), sau 10 năm, tuyệt phẩm này hoàn thành và được lắp đặt trong Cung điện Charlottenburg, nơi vua đầu tiên của Phổ là Frederick I (1657 – 1713) sống và làm việc.
Trong một lần ghé thăm cung điện Charlottenburg, Nga hoàng Peter I bị vẻ đẹp tinh xảo hiếm thấy của căn phòng hổ phách thu hút. Năm 1716, đức vua Phổ mới lên ngôi là Frederick William I (1688 – 1740) đã tặng căn phòng hổ phách cho Nga hoàng Peter I, vừa để làm hài lòng Nga hoàng vừa để củng cố mối liên minh Nga-Phổ chống lại Thụy Điển thời bấy giờ.
Sau khi được tặng, Nga hoàng Peter I lệnh lắp đặt căn phòng tại Cung điện Mùa Đông ở St. Petersburg. Đến năm 1755, Nữ hoàng nước Nga Elizabeth đã cho di chuyển căn phòng hổ phách về Cung điện Catherine ở Tsarskoye Selo, cách trung tâm của St. Petersburg 24km về phía nam.
Sẽ chẳng có chuyện căn phòng hổ phách trở thành một trong những kho báu được săn lùng nhiều nhất trong lịch sử nếu không có sự kiện Đức Quốc xã cướp mất trong những năm Thế chiến II để rồi khiến số phận của căn phòng hổ phách trở thành bí ẩn suốt gần trăm năm qua.
Ngày 22/6/1941, sau khi khởi xướng Chiến dịch Barbarossa, trùm phát-xít Đức Adolf Hitler lệnh cho hơn 3 triệu lính Đức tiến hành xâm lược Liên Xô. Sau 6 tháng, Đức nhanh chóng chiếm được nhiều vùng kinh tế quan trọng của Liên Xô, trong số đó có căn phòng hổ phách và Hitler tin rằng đó là kho báu dành cho người Đức.
Sau 36 giờ tháo dỡ, phòng hổ phách được chuyển về Königsberg (nay là hải cảng Kaliningrad của Đức) và được lắp đặt tại bảo tàng pháo đài Königsberg bên bờ biển Baltic.
Giám đốc bảo tàng khi đó là Alfred Rohde là một người đam mê hổ phách. Sau 2 năm trưng bày tại bảo tàng, năm 1943, Alfred Rohde được cho là đã tháo dỡ căn phòng hổ phách rồi bí mật mang kho báu đi trước khi Thế chiến II có dấu hiệu kết thúc với sự thất bại của người Đức.
Từ đó về sau, số phận của kho báu triệu đô - "kỳ quan thứ 8" của thế giới - biến mất cho đến nay đã 75 năm tròn.
Căn phòng hổ phách biến mất mặc cho bao nỗ lực săn lùng của thợ săn kho báu trên thế giới. Vì bí ẩn nên xoay quanh kho báu được tạo ra từ cách đây hơn 300 năm có rất nhiều đồn thổi. Trong số đó có "Lời nguyền căn phòng hổ phách".
Có người cho rằng với những ai liên quan đến kho báu này đều hứng chịu những cái chết thương tâm. Đơn cử như giám đốc bảo tàng Alfred Rohde nọ, ông này được cho là đã chết vì sốt phát ban khi tình báo KGB điều tra tung tích căn phòng.
Hay trường hợp của Yuri Gusev, một quan chức tình báo Nga ở nước ngoài (GRU), đã chết trong vụ tai nạn xe hơi bí ẩn tại Moskva tháng 11/1992 sau khi ông nói chuyện với một nhà báo về căn phòng hổ phách. Đồng nghiệp của Yuri Gusev tại GRU sau đó đã xác minh rằng ông này bị sát hại.
Đáng sợ hơn cả, thợ săn căn phòng hổ phách Georg Stein, cựu quân nhân Đức, cũng chết một cách bí ẩn trong rừng Bavaria (Đức) năm 1987.
Vẻ đẹp tinh xảo của kho báu triệu đô. Ảnh: Internet
"Căn phòng hổ phách ở đâu?" là câu hỏi gần trăm năm khiến nhiều nhà săn lùng kho báu day dứt. Báu vật hơn 300 năm mà vua Phổ từng dâng tặng cho Nga hoàng nay vẫn còn chìm trong bí ẩn.
Trước nỗ lực tìm kiếm kho báu căn phòng hổ phách, nhiều người đưa ra giả thiết rằng căn phòng này đang được bí mật cất giấu tại các địa điểm sau:
1. Kho báu hơn 6 tấn được giấu tại một mỏ bạc ở biên giới Cộng hòa Séc
Vào đầu những năm 2000, người ta đồn rằng một thợ săn kho báu tên Helmut Gaensel đã săn tìm được những tấm tường làm bằng hổ phách của Amber Room. Sau đó người này đem giấu những tấm hổ phách này tại mỏ bạc Nicolai Stollen 800 tuổi tại một vùng biên giới giữa Séc và Đức.
Sau khi hay tin, các chuyên gia, thợ mỏ và thợ săn kho báu đã tìm kiếm ráo riết tại khu mỏ Nicolai Stollen. Đến nay, tung tích của những tấm hổ phách vẫn chưa được tìm thấy.
2. Cái chết bí ẩn trong rừng Bavaria (Đức)
Địa điểm này có liên quan đến câu chuyện "Lời nguyền căn phòng hổ phách" khi thợ săn kho báu Georg Stein tuyên bố đã vô tình phát hiện ra một tần số vô tuyến bí mật và nghe thấy thông tin liên lạc cuối cùng về việc chuyển giao căn phòng hổ phách.
Sau tuyên bố, Georg Stein nhận được một cuộc hẹn gặp mặt trong rừng Bavaria của một thợ săn kho báu khác. Cuối cùng, vào năm 1987, người ta phát hiện người này chết trong rừng với tình trạng thi thể được cho là tự tử.
Người ta cho rằng, có thể Georg Stein biết vị trí cất giấu căn phòng, chính vì điều đó, người này phải chết để bí mật mãi được chôn giấu.
3. Kho báu "chết" cùng con tàu MV Wilhelm Gustloff
Vụ chìm tàu du lịch MV Wilhelm Gustloff trên biển Baltic vào đêm 30/1/1945 khiến 9.400 người thiệt mạng trở thành thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Nhiều người tin rằng, nhiều phần của căn phòng hổ phách cũng được vận chuyển trên chuyến tàu định mệnh đó.
4. Đức Quốc xã giấu tại đường hầm bỏ hoang ở Ba Lan
Sau chiến dịch xâm lược Liên Xô có tên Barbarossa, người ta tin rằng Hitler và quân của mình đã đem giấu của cải vơ vét được ở Liên Xô và đem giấu tại một đường hầm bỏ hoang trong lòng núi ở Walbrzych, tây nam Ba Lan, trong số đó có căn phòng hổ phách - báu vật mà Hitler tin rằng nó phải thuộc về người Đức.
5. Bên trong đường hầm có bẫy ở biên giới Cộng hòa Séc
Vào năm 2017, các thợ săn kho báu Leonhard Blume, Peter Lohr và Gunter Eckhardt tuyên bố đã tìm ra manh mối có thể cất giữ căn phòng hổ phách.
Sau hàng năm trời tìm kiếm bằng radar tại vùng núi Ore, gần khu vực biên giới Cộng hòa Séc và Đức, đội thợ săn kho báu phát hiện một lối đi vào đường hầm bỏ hoang.
Leonhard Blume cho biết, đội của anh tìm thấy một đường hầm lớn, sâu, bên trong có thứ mà họ cho là hệ thống bẫy. Họ cho biết sẽ tiếp tục thâm nhập đường hầm và truy tìm tung tích của kho báu triệu đô.
Chú thích:
(1) Hổ phách là nhựa hóa thạch của các loài thực vật, có mùi thơm. Do có màu sắc khác nhau nên hổ phách còn có tên là huyết phách, hồng tùng chi, minh phách.
Về mặt trang sức, màu sắc long lanh của hổ phách biến nó trở thành trang sức tuyệt đẹp. Về mặt sức khỏe, do có tác dụng an thần và được cho là đem đến may mắn cho chủ nhân nên hổ phách được nhiều người săn lùng.
(2) Giá trị ước lượng của căn phòng hổ phách do Tạp chí Smithsonianmag (thuộc Viện nghiên cứu Smithsonian Institution - Mỹ) dẫn lời các nhà sử học.
(3) Phổ là một vương quốc có trong lịch sử Đức, tồn tại từ năm 1701 đến 1918.
Bài viết sử dụng nguồn: Smithsonianmag, Listverse