Báu vật dưới nước của Việt Nam được Châu Âu cực "thèm khát" bất ngờ gặp khó - mốc tỷ USD liệu có lập lại?

Minh Ngọc |

Kể từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã thu về gần 500 triệu USD.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong tháng 6/2024, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt hơn 85 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này mang về gần 472 triệu USD, tăng 23%.

Tính từ đầu năm tới nay, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh tháng 6/2024 đạt mức cao nhất từ đầu năm - hơn 44 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp trong tháng 6/2024 chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm 11%.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, EU hay Israel vẫn tiếp tục tăng trong tháng 6, lần lượt là 18%, 56% và 50%. Đặc biệt, tại khối thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Hà Lan đang tăng “phi mã” ở mức 3 con số.

Cùng với đó, xuất khẩu cá ngừ sang Nga cũng đang tăng phi mã ở mức 3 con số trong tháng 6. Với sự tăng trưởng cao liên tục từ đầu năm, Nga đang trở thành 1 trong 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

Trái với xu hướng xuất khẩu sang 3 thị trường kể trên, xuất khẩu sang khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại ghi nhận mức giảm 12%, chỉ đạt gần 9 triệu USD.

Theo VASEP, hiện nhu cầu của các thị trường đang ngày càng tăng vì để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm, và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Báu vật dưới nước của Việt Nam được Châu Âu cực "thèm khát" bất ngờ gặp khó - mốc tỷ USD liệu có lập lại?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Yếu tố kìm hãm xuất khẩu

VASEP dẫn thông tin từ các doanh nghiệp cho hay, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường trên đang khó có thể duy trì.

Cụ thể, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ đang có một vấn đề - là kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định trong Nghị định 37 là 0,5m (tương đương trọng lượng từ 5kg đến 7kg). Tuy nhiên sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp.

Khi Nghị định 37 có hiệu lực, tất cả các cảng cá không dám cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này. Điều này sẽ khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước giảm. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy để sản xuất.

Thời điểm này, xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng do hàng tồn kho tại các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận vẫn còn, nhưng lượng tồn kho cũng đang cạn dần. Doanh nghiệp sẽ phải gia tăng nhập khẩu từ nguồn cung ngoài nước.

Theo thỏa thuận trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và một số nước, các sản phẩm cá ngừ có xuất xứ là cá ngừ được đánh bắt bởi các tàu Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Do đó, nguồn cung ngá ngừ nguyên liệu trong nước giảm sẽ khiến doanh nghiệp không thể tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định này dẫn tới thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

VASEP nhận định nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khó khăn này cho doanh nghiệp, thì chẳng mấy chốc sẽ bị mất thị trường xuất khẩu.

Trước đó, trong năm 2022, cá ngừ ghi nhận kỷ lục xuất khẩu khi mang về 1 tỷ USD, năm nay các doanh nghiệp kỳ vọng mốc này có thể quay lại nếu những bất cập về nguyên liệu được tháo gỡ. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại