Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Năm 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.
Năm 2025, đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP 8 - 9%, đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP. Năm 2025 tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành du lịch sẽ đóng vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.
Định hướng phát triển ngành du lịch
Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), tháng 5/2024, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế là các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt. Cùng với đó, chính sách thị thực và xuất nhập cảnh mới áp dụng từ tháng 8/2023 cũng khiến lượng khách du lịch từ nhiều thị trường Châu Âu tăng trưởng.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 5/2024 đạt 12 triệu lượt, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Lượng khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng.
Để ngành du lịch phát triển hơn nữa trong tương lai, Việt Nam tiếp tục giữ vững đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường nội địa. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống quốc tế cũng như thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ và các nước Trung Đông, đa dạng hóa các thị trường, chuyển dịch theo hướng tăng thị phần khách có khả năng chi trả cao.
Đối với phát triển sản phẩm du lịch, khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo; Phát huy giá trị văn hóa vùng, miền; Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên; Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm.
Ngoài ra, phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội theo vùng; hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và tạo dựng thương hiệu du lịch vùng trên cơ sở tăng cường liên kết vùng.
Việt Nam cũng quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.