Bầu Hiển, ông Dương Công Minh, Đỗ Minh Phú... sẽ buộc phải lựa chọn chỉ 1 vị trí: Chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch doanh nghiệp

Kinh Kha |

Hiện nay đa số chủ tịch HĐQT của các ngân hàng tư nhân đều đang kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt của nhiều doanh nghiệp khác nhưng Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ không cho phép điều này.

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/11. Theo đó, nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018.

Theo quy định của Luật sửa đổi, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Quy định này sẽ dẫn đến sự biến động đáng kể đối với chức danh lãnh đạo chủ chốt của hàng loạt ngân hàng và các tập đoàn tư nhân lớn khi họ buộc phải lựa chọn lựa chọn từ bỏ 1 trong 2 chức danh. Thực tế hiện nay đa số chủ tịch HĐQT của các ngân hàng tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp khác.

Một số ví dụ điển hình như:

+ Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS...

+ Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam

+ Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT của Doji Group

+ Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group

+ Chủ tịch VIBank Đặng Khắc Vỹ là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings

+ Chủ tịch Seabank Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch của BRG Group và là Chủ tịch/thành viên HĐQT của nhiều công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam ...

+ Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền là Chủ tịch Geleximco

+ Chủ tịch Kiên Long Bank Võ Quốc Thắng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group

Đối với những doanh nhân có nhiều hoạt động kinh doanh khác bên cạnh lĩnh vực ngân hàng thì lựa chọn khả dĩ nhất sẽ là rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhưng vẫn giữ một vị trí trong HĐQT ngân hàng. 

Trong khi đó, nếu vẫn muốn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT ngân hàng thì sẽ phải từ nhiệm khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.

Một quy định khác được ban hành vào tháng 6/2017 là Nghị định 71 về quản trị công ty đại chúng cũng khiến cho nhiều doanh nhân buộc phải lựa chọn 1 trong 2 vị trí là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc thay vì kiêm nhiệm như trước đây. Các công ty đại chúng có một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị khi quy định này có hiệu lực từ 1/8/2020.

Dù vậy thì hiện tại số trường hợp kiêm nhiệm, đặc là tại các doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá lớn không còn nhiều với một số ví dụ như Masan Group, SSI, Đầu tư Thế giới Di động...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại