Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo, ngày 19/7 tới đây, Công ty mẹ - Tổng công ty Vật tư Nông Nghiệp (Vigecam) sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu 6.350.580 cổ phần, tương đương 28,87% vốn điều lệ dự kiến của doanh nghiệp sau cổ phần hóa với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần.
Ngoài phần đem IPO thì theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Vigecam, hơn 1% bán cho Cán bộ công nhân viên, còn 70% bán cho cổ đông chiến lược.
Bầu Hiển mua Vigecam vì đất
Đáng chú ý nhất ở đây đó là 2 nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt là Tổng công ty Rau Quả, Nông sản – CTCP (Vegetexco) nắm 45% và CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNAinsurance) nắm 25%.
Trong danh sách ứng viên nộp hồ sơ làm NĐT chiến lược của Vigecam còn có CTCP Cảng Quảng Ninh nhưng đã bị loại do không đủ điều kiện.
Nhắc đến Tổng công ty Rau Quả, Nông sản và Cảng Quảng Ninh, nhà đầu tư đều nhớ đến một nhân vật, đó là ông Đỗ Quang Hiển hay thường gọi là bầu Hiển – Chủ tịch Tập đoàn T&T.
Với việc thâu tóm Vigecam, cũng giống như những thương vụ trước đó của bầu Hiển tại Bệnh viện Giao thông Vận tải, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Bia Việt Hà, cảng Quảng Ninh hay Vegetexco…, đều có thể nhận thấy những tài sản màu mỡ chính là các mảnh đất vàng.
Vigecam đang quản lý và sử dụng 6 lô đất thuê của nhà nước tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM.
Tiêu biểu là mảnh đất số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2; mảnh đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); mảnh đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2).
Nổi tiếng hơn cả là khu đất có diện tích 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.
Ngoài ra, Vigecam còn có quyền sử dụng mảnh đất tại số 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2) và thửa đất tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng (diện tích 88.880 m2).
Đó là chưa kể các cơ sở nhà đất thuộc quyền khai thác của các công ty con và công ty liên kết của Vigecam.
Các mảnh đất của Vigecam đều dính vào rắc rối
Lĩnh vực hoạt động chính của Vigecam là kinh doanh phân bón, chè, nông sản… và cho thuê kho bãi. Kết quả kinh doanh của Vigecam không mấy hấp dẫn.
Doanh thu các năm từ 2012 - 2014 lần lượt đạt 126 tỷ đồng, 87 tỷ đồng và 109 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 10 tỷ đồng; 432 triệu đồng và 2,1 tỷ đồng.
Còn lại, Vigecam chẳng có gì ngoài những mảnh đất vàng nói trên. Nhưng thực tế các mảnh đất mà Vigecam quản lý hầu như đang dính các vấn đề tranh chấp, vướng mắc thủ tục giấy tờ nọ kia.
Tại 120 Quán Thánh, Vigecam vẫn đang phải làm việc với cơ quan thi hành án và các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện cưỡng chế thu hồi Khách sạn 120 Quán Thánh theo Quyết định của Tòa án.
Mảnh đất 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông là tài sản gán nợ của ngân hàng Việt Hoa.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, cơ sở nhà đất này đã được Ban chỉ đạo 09 Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất chuyển giao cho Vigecam để cổ phần hóa. Tuy nhiên toàn bộ hồ sơ giấy tờ về sở hữu cơ sở nhà đất này đang bị thất lạc
Tại 16 Ngô Tất Tố chưa phân định được phần diện tích nhà, đất của các bên Vigecam, CTCP Đầu tư nông nghiệp Hà Nội và Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Hợp đồng thuê nhà tại đây của Vigecam cũng chưa được ký lại.
Còn khu đất làm Khu vui chơi giải trí Đống Đa từng diễn ra tranh chấp giữa Vigecam và CTCP Tập đoàn quốc tế Năm Sao.
Vigecam cho biết công ty phải làm việc với các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa để sớm thu hồi đất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi chủ đầu tư dự án “Khu vui chơi giải trí Đống Đa” cho CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao.
Dự án trên vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiều người cho rằng mua Vigecam là mua rắc rối khi hoạt động kinh doanh cốt lõi không có điểm sáng mà các mảnh đất vàng thì trục trặc giấy tờ. Nhưng biết đâu khi có “quý nhân” nhảy vào, số phận đất vàng sẽ khác.