Có bao giờ người hâm mộ tự hỏi, vì sao bầu Đức không đến sân xem Việt Nam đá ở AFF Cup 2018? Vì bầu Đức không thích gây sự chú ý từ trên khán đài...
Người ta nói…
Ở Việt Nam, văn hóa bóng đá xem từ quán cà phê, thậm chí ngồi vỉa hè đã trở thành quá đỗi quen thuộc. Thú nhận rằng, mỗi chúng ta ngồi xem như thế cũng rất thích, mọi người có thể tán dốc, cáp kèo, bình luận, kỳ vọng về những cầu thủ đội nhà.
Bóng đá là thế. Xem phải có nhiều người mới đông vui, hò hét mới sướng. Ăn mừng mới sung và rực lửa. Trái bóng tròn chưa đựng nhiều cung bậc cảm xúc nên trở thành môn thể thao Vua, món ăn tinh thần bình dị nhất, vì chỉ cần vài chục nghìn kêu ly cà phê có thể ngồi thoải mái xem bóng đá.
Vậy âm vang từ vỉa hè, quán cà phê vọng về trong những ngày qua là gì? Người ta đang nói nhiều đến trận đấu giữa Malaysia - Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc, tình yêu bóng đá đang chảy mãnh liệt trong hàng triệu người hâm mộ. Việt Nam thắng chắc. Việt Nam vô địch. Việt Nam cố lên…
Nghe những âm vang đó đủ sướng khi nói về bóng đá Việt Nam. Bóng đá thực sự trở thành chủ đề cho cả xã hội quan tâm. Đó là âm vang của hạnh phúc về tình yêu bóng đá. Và hạnh phúc đó được người ta lý giải như thế nào?
Họ bảo rằng Việt Nam may mắn mời được HLV Park Hang Seo về dẫn dắt. Ông Park là cao thủ cầm quân, biết cách giúp đội bóng trở thành một tập thể có sức chiến đấu cao nhất. Rồi họ nói về bầu Đức khi chủ đề tiền lương của HLV Park trở thành thứ tranh cãi từ vỉa hè đến mạng xã hội.
Bầu Đức đang trả cho HLV Park mỗi tháng 700 triệu đồng.
Gần 700 triệu đồng là số tiền mà HAGL gửi để trả lương cho HLV Park trong tháng 11, gồm 20 nghìn USD lương “cứng” và 35% thuế thu nhập cá nhân. Nghe thật sự sốc. Con số đó quá cao, bằng những địa phương nhỏ có thể làm đào tạo trẻ trong 1 năm.
Thế nên, họ không nói nhiều về bầu Đức mới lạ. Phải nhắc đến chứ, phải cảm ơn vì bầu Đức mời ông Park sang Việt nam, sau đó tự trả tiền lương với con số thật “khủng”.
Họ còn nói bầu Đức bỏ công, tiền bạc xây Học viện để mở ra sự phát triển của bóng đá trẻ. Đặt viên gạch đầu tiên để xây móng cho bóng đá Việt Nam. Đó là tiền đề để có thành công ở hiện tại.
Tôi mượn lời ca sĩ Hoàng Bách để kết về điều người ta nói về bầu Đức: “Nhắc đề cùng nhau nhớ. Chưa cần kể tới việc HAGL JMG (Học viện Bóng đá của bầu Đức) đã bắn phát pháo đầu tiên về một lò đào tạo đẳng cấp quốc tế để có những Công Phượng, Xuân Trường rồi sau đó trở thành niềm cảm hứng tới các lò khác và có thêm Quang Hải, Duy Mạnh…
Hãy luôn nhớ người đã có công quyết định trong việc mời thầy Park và chịu trách nhiệm trả lương cho ông. Có ngày hôm nay, CÔNG ĐẦU VÀ NHIỀU NHẤT VẪN PHẢI LÀ ANH BA ĐỨC, dù chẳng mấy người muốn nhắc đến điều này. Cảm ơn anh, người luôn chơi đẹp và có tâm thực sự với bóng đá nước nhà”.
Bầu Đức và chuyện niềm vui cùng chiếc tivi
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, lời nói hoa mỹ không thể tô đẹp con người, chỉ có những giá trị thật, chỉ có cống hiến bằng tình yêu và tâm huyết cao nhất mới đi vào lòng người hâm mộ. Bầu Đức xưng đáng nhận được sự ngợi khen và một vị trí trân trọng trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Tôi thích suy nghĩ của bầu Đức khi ông nói đến chuyện tiền lương của HLV Park. Bầu Đức vốn dĩ rất thẳng thắn, nói là không ngại, không sợ vì nói thật, nói đúng. Bầu Đức bảo không muốn nói đến chuyện trả lương, vì nói ra sẽ ảnh hưởng đến HLV Park. Mọi thứ cứ để tự nhiên vì người hâm mộ tự hiểu tự đánh giá được đâu là điều tốt đẹp của bóng đá Việt Nam.
Thêm một chi tiết đặc biệt mà đa số người hâm mộ có lẽ thắc mắc, bầu Đức sao không xuất hiện trên khán đài ở các trận đấu của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018?
Bầu Đức không đến sân xem Việt Nam thi đấu nhưng luôn ngồi trước màn hình tivi để cổ vũ cho toàn đội. Lần gần nhất, bầu Đức đến sân xem U23 Việt Nam thi đấu là giữa năm 2017. Hôm đó, Việt Nam thua Hàn Quốc nhưng bầu Đức thưởng 1 tỷ đồng.
Hôm đó, bầu Đức cười lớn nói với tôi: “Nghèo thì nghèo, nhưng xem thấy sướng thì phải thưởng cho các cháu có tinh thần thi đấu. Thắng thua không quan trọng, miễn phải mang đến niềm vui cho người hâm mộ. Tôi sướng, người hâm mộ sướng thì thưởng”.
“Nghèo thì nghèo”, câu nói đó của bầu Đức không phải vì ông nghèo mà chuyện làm ăn thời điểm đó khó khăn. Ai làm kinh doanh thì đều có lúc vấp phải chuyện như thế. Nhưng cái hay của bầu Đức là “nghèo thì nghèo, nhưng xem thấy sướng thì phải thưởng”. Điều này cũng giống như cách ông Đức bỏ tiền trả lương cho HLV Park, kiểu mình có điều kiện lo được tới đâu thì cứ lo thôi.
Bầu Đức có một tình yêu bóng đá hết sức đặc biệt.
Cách nghĩ và đón nhận niềm vui bóng đá của bầu Đức thực sự đặc biệt. Không thích đến sân để gây sự chú ý từ dư luận. Đóng góp cho bóng đá thì có là cho. Thậm chí, bầu Đức đã cho là cho theo kiểu chơi đẹp, chơi chất chứ không phải kiểu “mượn tiếng”.
Đội trưởng “bất đắc dĩ” của tuyển Việt Nam - Quế Ngọc Hải từng nói với tôi rằng: “Mấy lần em lên Gia Lai thi đấu, chỉ mong gặp chú Đức nói lời cảm ơn nhưng chưa có dịp, anh ơi”. Câu chuyện này xuất phát từ việc bầu Đức cho 400 triệu để Ngọc Hải trả tiền sau chấn thương của Anh Khoa. Ngọc Hải trong lúc khó khăn được bầu Đức cho tiền nên ghi nhớ mãi.
Một ông bầu gắn bó với bóng đá trong gần 20 năm, làm được nhiều điều giá trị, góp phần phát triển cả nền bóng đá, từ khó khăn đi đến thành công, thì xứng đáng được ngợi khen. Bầu Đức xứng đáng nhận được tình cảm của hàng triệu người hâm mộ.
Không tin. Vậy mỗi chúng ta có thể thử lắng nghe tiếng vọng từ vỉa hè, hay các quán cà phê khi nói đến tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 và HLV Park Hang Seo, lúc nào cũng đi kèm hai chữ: BẦU ĐỨC.