Bầu Đức và đoạn kết ở VFF

Hoài Đan |

Tại Đại hội thường niên VFF 2017, bầu Đức đã nói ra tất cả những điều trăn trở cũng như tự “minh oan” cho tình yêu bóng đá của mình. Nhiệm kỳ VII tại VFF đã khép lại với ông, và bây giờ là lúc, những đóng góp của bầu Đức cần nhìn nhận một cách khách quan nhất.

Nhiệm kỳ VII của bầu Đức

Năm 2014, bầu Đức chính thức gia nhập chính trường VFF. Thời điểm đó, bầu Đức cũng từng tuyên bố chỉ tham gia thường trực làm phó nếu ông Dũng trúng cử chức Chủ tịch VFF. Và khi cựu Chủ tịch của Eximbank chính thức trở thành tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, bầu Đức cũng ngồi vào ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Đấy là nhiệm kỳ mà lần đầu tiên VFF có những doanh nhân ngồi vào các vị trí chủ chốt thay vì người nhà nước như trước đó. Một nhiệm kỳ được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển, đặc biệt là ở việc huy động các nguồn lực xã hội hoá để đầu tư cho bóng đá.

Thế nhưng, Chủ tịch Lê Hùng Dũng mới làm được nửa nhiệm kỳ thì rút lui vào hậu trường, giao mọi công việc cho cấp phó vì lý do sức khoẻ. Đến lúc này, mọi việc điều hành, quản lý ở VFF được Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn đảm trách. Bầu Đức dù ở vai Phó Chủ tịch phụ trách tài chính nhưng vì công việc kinh doanh cũng như việc sở hữu HAGL đang tham dự V.League mà nhiều thời điểm không ra mặt trong mọi vấn đề. Ông cũng thường xuyên vắng mặt ở nhiều cuộc họp của Thường trực cũng như Ban Chấp hành VFF. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng bầu Đức đã không còn mặn mà với bóng đá. Cũng ở thời điểm đó, ở “ngôi nhà” VFF cũng bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Đỉnh điểm của sự “đoàn kết chưa cao” mà Phó chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ nói chính là việc ông đã đứng trước hội nghị tổng kết năm 2015 của ngành thể thao.

Nhìn lại nhiệm kỳ VII, người ta không thấy rõ vai trò điều hành, quản lý một cách trực tiếp của bầu Đức. Tuy nhiên, ông lại là người có những đóng góp âm thầm trực tiếp vào ĐTQG cũng như U.23 Việt Nam trong những giải đấu cụ thể.

“Tôi xin tài trợ đội tuyển quốc gia tới khi vô địch…”

Đó là một trong những điều mà bầu Đức chia sẻ tại Đại hội thường niên VFF 2017. Sau rất nhiều những thông tin trái chiều nhắm vào ông và HAGL, sau tất cả những đồn đoán về quyết định từ chức Phó Chủ tịch VFF, bầu Đức đã có những lời nói đầy trăn trở và cũng như những điều ông muốn “minh oan” cho chính bản thân về những việc đã làm trong thời gian vừa qua.

Đầu tiên là việc mở Học viện theo lời khuyên của HLV Arsene Wenger (CLB Arsenal) khi ông có dịp sang Anh và ngỏ ý mời đội bóng thành London đến Việt Nam giao hữu. Việc bắt tay vào xây dựng học viện cách đây 12 năm được ông ví như một kỳ tích bởi đó là thời điểm có quá nhiều khó khăn. Và khi đào tạo được 13/18 cầu thủ với lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… ông cho đó là một thành công.

Tất cả những gì mà bầu Đức kỳ vọng chính là để lứa cầu thủ này giúp bóng đá Việt Nam lần đầu vô địch SEA Games. Và cũng vì thế mà ông đã tạo mọi điều kiện để giúp lứa cầu thủ tài năng góp mặt ở ĐT U.23 cũng như tạo điều kiện hỗ trợ VFF trong các giải đấu lớn cụ thể. “Tôi cũng nói với anh Tuấn (Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn - PV) là nếu đội tuyển quốc gia khó khăn, tôi xin đứng sau lưng hết. Tôi không để đội tuyển khó khăn. Tôi xin tài trợ đội tuyển quốc gia tới khi vô địch thì thôi” - bầu Đức nói.

Nhớ lại thời điểm 2014, khi lứa cầu thủ U.19 Việt Nam với nòng cốt là quân Hoàng Anh từng gây sốt cho khán giả thời điểm đó, bầu Đức vẫn còn cảm giác “sướng”. Bởi lẽ, ông quan niệm, tất cả những gì làm được cho bóng đá chung quy lại cũng vì khán giả, mục đích là để mọi người có được cảm hứng và niềm vui. Cũng vì thế mà ông đã chia sẻ rằng: “Tôi đã nói rồi, với tôi bóng đá là trên hết, là cuộc sống tôi. Tôi đã nói rằng Việt Nam phải vô địch. Tôi là chủ tịch một tập đoàn lớn, sở hữu 60 chục nghìn tỉ, bỏ ra vài chục tỉ làm bóng đá so với các sướng của mình, cái máu của mình thì đó chỉ là chuyện nhỏ”.

Đó cũng là điều khiến những người trong nghề khoái bầu Đức. Bởi lẽ, tất cả đều thấy rằng, công lao mà bầu Đức đóng góp cho bóng đá Việt Nam trong suốt quá trình làm từ CLB đến VFF đều có dấu ấn. Vì thế việc có đến 21/22 phiếu bầu không đồng ý để bầu Đức từ chức cũng là điều đã được dự đoán từ trước.

Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ cho biết: “Anh Đức là người có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam, đó là điều tất cả Ủy viên Ban Chấp hành VFF đều ghi nhận. Bởi vậy, đa số ý kiến đều động viên anh Đức tiếp tục làm nhiệm vụ cho tới hết nhiệm kỳ VII”. Thế nhưng, bầu Đức chỉ tại vị theo ý Ban Chấp hành VFF đến trước Đại hội VIII diễn ra vào đầu năm 2018.

Mặc dù xin từ chức ngay sau SEA Games 29, thế nhưng bầu Đức vẫn trực tiếp đóng vai trò quan trọng ở việc góp mặt trong phái đoàn trực tiếp đến Hàn Quốc đàm phán và đạt thoả thuận với HLV Park Hang-seo dẫn dắt ĐTQG, U.23 và Olympic Việt Nam. Đồng thời ông cũng đưa HLV Chung Hae-seong người từng cùng ông Park làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink dự World Cup 2002. Đây cũng là cách mà bầu Đức góp phần giúp cho “bóng đá Việt Nam vô địch mới thôi”.

Nhiệm kỳ VII, về một góc độ nào đó, là sự thất bại cuả các doanh nhân trong việc mang đến cho bóng đá Việt Nam một diện mạo mới. Thế nhưng, với bầu Đức, nhìn vào những điều ông làm được, vẫn rất cần sự ghi nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại