“Tôi không bao giờ chơi chứng khoán . Con gái tôi mua 10 triệu cổ phiếu đó nhưng không phải để bán ra”, bầu Đức chia sẻ với cổ đông trong chuyến đi thực địa ngày 8/12 (Việt Nam, Lào và Campuchia).
Ông Đức nhấn mạnh, bản thân chỉ làm kinh doanh và chưa bao giờ mở hay có ý định mở tài khoản riêng, cũng như lấy tài sản làm tài sản riêng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang hồi phục khá tốt sau đà giảm sâu. Trước đó, liên quan đến tin đồn trên mạng xã hội khiến cổ phiếu bị bán tháo mạnh, HAGL cũng đã có phản hồi và khẳng định tình hình kinh doanh diễn ra bình thường. Song song, bà Đoàn Hoàng Anh - con gái bầu Đức - đã mua vào 1 triệu cổ phiếu HAG.
Đáp lại tin đồn, bầu Đức cũng quyết định đưa cổ đông đi thực địa để minh bạch về câu chuyện trồng chuối, nuôi heo bằng chuối và nuôi thí điểm gà đi bộ ăn chuối.
Chuối đang vào cao điểm xuất, có thể trồng thêm để đáp ứng nhu cầu cho chăn nuôi
Ghi nhận với mảng chuối, HAGL cho biết chuối đang trong giai đoạn cao điểm , đặc biệt khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa (các siêu thị đã hoạt động trở lại) là tín hiệu tốt cho kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh thời gian tới. Chưa kể, từ cuối tháng 11 là mùa rất lạnh bên Trung Quốc, đây cũng là thời điểm tiêu thụ chuối tăng với giá tốt.
Hiện, giá chuối HAGL xuất đạt 11 USD/thùng (13kg), tăng 25% so với 2 tháng trước và được dự báo tiếp tục tăng để đạt đỉnh đến tháng 2 năm sau. Về sản lượng, trung bình mỗi tuần HAGL sẽ xuất được 40 container sang 12 đầu mối bên Trung Quốc.
Trong tháng 11 vừa qua, sản lượng cây ăn trái của Công ty đạt 26.661 tấn chuối, trong đó chuối dùng làm thức ăn chăn nuôi vào mức 14.881 tấn, cao hơn lượng chuối xuất khẩu (11.780 tấn) song tỷ trọng giảm đáng kể.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm, sản lượng chuối đạt 268.085 tấn, xuất khẩu là 151.053 tấn và dùng làm thức ăn chăn nuôi là 117.032 tấn. Nói thêm về tỷ trọng chuối dùng làm thức ăn có lúc tăng mạnh và đạt đến 70% tổng sản lượng, bầu Đức cho biết do các tháng 7-11 là tháng mưa, chất lượng chuối giảm, Công ty chủ động dùng chuối cho chăn nuôi.
Thực tế, nếu sản lượng chăn nuôi tăng dẫn đến nhu cầu tăng thời gian tới, HAGL đã có kế hoạch trồng thêm chuối tại diện tích đất Lào, Campuchia để đáp ứng. HAGL cho biết sẽ chọn khu vực Lào, Campuchia để trống chuối vì diện tích đất ở đây còn nhiều và liền mạch trong khi đất trồng tại Việt Nam đã hạn chế và bị phân mảnh. Chi phí vận chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 500 đồng/kg.
“Nhiều người hỏi tôi tại sao không làm thị trường Úc , châu Âu … để có giá trị cao hơn. Nói thật, làm rồi mới hiểu được, trong khi đi các thị trường này rất mất công thì Trung Quốc với dư địa rất lớn chưa khai thác hết”, bầu Đức nói.
Tương tự cho loại trái cây mới là sầu riêng, Trung Quốc vừa mở cửa thì thị trường sầu riêng ngay lập tức "cháy hàng". Riêng HAGL, dự kiến sầu riêng sẽ xuất khẩu từ quý 4/2023, sang năm 2024 có thể đẩy mạnh. Đây là loại trái cây HAGL đã trồng từ năm 2018, tháng 7 vừa qua cho trái bói (lứa trái đầu tiên). Sầu riêng theo kỳ vọng sẽ cho lợi nhuận lớn, nếu phát triển ổn định có thể ngang ngửa mảng heo trong tương lai gần do biên lợi nhuận của sầu riêng cực cao - HAGL cho biết.
Hình ảnh tại xưởng thu hoạch chuối HAGL. Ảnh: Tri Túc.
HAGL đã xây được lò chế biến heo tại Gia Lai, công suất hiện đạt 500 con/ngày
Về mảng chăn nuôi và thịt thương hiệu, hiện HAGL đang tích cực mở rộng cụm chuồng. Công ty cũng đã thông qua phương án phát hành huy động vốn để phục vụ nhu cầu mở rộng với mục tiêu 1 triệu con heo. Nếu chưa thể thực hiện phát hành cổ phiếu, HAGL nhấn mạnh quyết tâm xoay vốn để đạt được con số sản lượng 700.000 con heo.
Trong đó, Công ty dự kiến mở cụm chuồng heo tại Campuchia, sau khi khảo sát được thị trường heo sở tại có giá bán cao hơn khoảng 40% so với thị trường Việt Nam (giá heo hơi Campuchia hiện tại vào khoảng 70.000 đồng/kg). Dù vậy, nguồn lực hiện hạn hẹp nên Công ty sẽ triển khai từ từ.
Đáng chú ý, HAGL đã xây được lò chế biến heo tại Gia Lai (thương hiệu Heo ăn chuối Bapi), với khoảng 7 lò. Công suất hiện tại quân bình đạt 500 con heo/ngày, hoạt động được khoảng 1,5 tháng. Heo sau khi chế biến sẽ được vận chuyển đến hai đầu mối tại hai cầu Tp.HCM và Hà Nội, từ đó tản đi các cửa hàng và khu vực lân cận.
Công ty cũng đang mở rộng chuỗi Bapi Food. Tại Bapi Food, heo phân phối sẽ là heo ăn chuối Bapi, gà sẽ là gà chạy bộ theo công thức dinh dưỡng độc quyền của HAGL (40% nguyên liệu là trái chuối). Với sản phẩm bò, HAGL hợp tác với một đối tác cung cấp bò đặc sản bên Lào.
Chủ trương của bầu Đức với chuỗi này là nhằm đa dạng thực phẩm sạch tới người tiêu dùng, Công ty cũng sẽ kết nối với các đối tác, đưa các đặc sản vào chuỗi cửa hàng Bapi Food.
Một cụm heo thịt của HAGL. Ảnh: Tri Túc.
Nhà máy sơ chế thịt heo vừa hoạt động được 1,5 tháng của HAGL. Ảnh: Tri Túc.
Trái chuối thải sẽ được dùng làm thức ăn. Ảnh: Tri Túc.
Về gà đi bộ ăn chuối (được lấy thương hiệu là Marathon), Công ty nhấn mạnh chỉ đang nuôi thí điểm, thả vườn trong diện tích trồng cây keo. HAGL đang xúc tiến xây dựng nhà máy giết mổ gà tại Gia Lai. Xong nhà máy, đánh giá thêm thị trường, Công ty mới tính chuyện mở rộng quy mô.
Thực tế, gà là kế hoạch phát sinh sau này, cũng trên sáng kiến của ông Trần Văn Dai – “công thần” thực hiện hoá công thức cám từ chuối và hiện là Thành viên HĐQT HAGL. “Gà khác nhau là không gian, và thời gian nuôi ngắn hay dài ngày. Gà nếu nuôi dài ngày sẽ có giá càng cao do gà đi bộ nhiều”, bầu Đức nói thêm. Theo ông, gà HAGL bán ra hiện đạt 120 ngày, trong khi thực tế nếu thúc cho ăn thì chỉ cần 40 ngày có thể xuất chuồng.
Gà đi bộ ăn chuối của HAGL. Ảnh: Tri Túc.