Bầu Đức: "Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam"

Tri Túc |

Dù trả giá cực đắt khi giá cao su lao dốc vào năm 2016, bầu Đức vẫn khẳng định: "Làm nông nghiệp ai cũng nói bấp bênh khó nhằn, song nếu làm được sẽ cho tỷ suất sinh lời rất cao".

5 năm “lặn sâu” và xuất hiện trở lại với báo giới vào đúng dịp Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) chia sẻ: HAGL có lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua, nhưng bản thân ông không bỏ cuộc vì “không thể để Tập đoàn HAGL mất được”.

Không chỉ danh dự, thương hiệu HAGL mà còn là bộ máy phía sau với hàng ngàn nhân sự và các nhân công lao động tại các khu trồng trọt chăn nuôi…

 Bầu Đức: Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam  - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt chuối thải để làm thức ăn chăn nuôi của HAGL.

"Mọi cái liều đều có tính toán hết"

Khi được hỏi tại sao lại liều lĩnh đầu tư cả tỷ USD vào nông nghiệp trong khi đang kiếm ngàn tỷ lợi nhuận từ bất động sản; ông nói: “Mọi cái liều của doanh nhân đều có tính toán hết”.

Ông Đức nhận định nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam: "Làm nông nghiệp ai cũng nói bấp bênh khó nhằn, song nếu làm được sẽ cho tỷ suất sinh lời rất cao".

Dù trả giá cực đắt khi giá cao su lao dốc vào năm 2016, bầu Đức khẳng định quan điểm đó đến nay vẫn không thay đổi. Bên cạnh xuất khẩu chuối, nuôi heo và bán thịt heo Bapi, cùng nguồn thu từ 1.000 ha sầu riêng (bắt đầu thu hoạch từ năm 2023), HAGL kỳ vọng đạt lợi nhuận lên có thể lên đến 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 3.183 tỷ đồng, LNST 894 tỷ đồng. Tương ứng, trồng chuối nuôi heo đâu đó mang về 4 tỷ lợi nhuận/ngày cho HAGL. Dù vậy, hành trình trên thực tế chỉ mới bắt đầu và còn lắm gian truân.

 Bầu Đức: Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam  - Ảnh 2.
 Bầu Đức: Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không đơn thuần là người giàu Việt Nam  - Ảnh 3.

Không chỉ rủi ro trong kinh doanh, đặc biệt lại là mảng nông nghiệp, HAGL trong cuộc chơi mới thịt thương hiệu đang vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt và hơn hết là nghi vấn của thị trường.

Nhiều người cho rằng, heo ăn chuối không có gì đặc biệt, chỉ là PR cho lần trở lại của bầu Đức, bởi lâu nay ở vùng quê người ta vẫn cho heo ăn bắp chuối. Báo cáo mới nhất của Chứng khoán VNDirect nhận định: mô hình thịt 3F sớm được khai thác ở Việt Nam, và heo ăn chuối HAGL không có quá nhiều khác biệt so với thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng.

Về phía mình, HAGL cho biết cái độc đáo và riêng biệt của Heo ăn chuối là công thức trộn thức ăn cho heo. Thành viên HĐQT Trần Văn Dai - người được xem là “công thần” thực hiện hoá ý tưởng heo ăn chuối của bầu Đức - cũng từng chia sẻ: Cái lợi thế của HAGL là diện tích chuối lớn, diện tích chăn nuôi trên vùng khí hậu mát mẻ Gia Lai.

"Nhìn từ khu vực, những nơi có điều kiện tốt và diện tích chuối lớn như Braxin, Thái Lan hay Philippines thì chưa ai làm Heo ăn chuối. Từ suy nghĩ đến thực tế không hề dễ dàng, cho nên cái độc quyền của HAGL hiện nay là công thức", ông Dai nói.

Khát vọng của bầu Đức

“Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu Việt Nam. Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này”, bầu Đức trả lời doanhnhansaigon.vn khi được hỏi về khát vọng của mình.

Riêng ngành nông nghiệp, Việt Nam tuy được tự nhiên ưu ái song người nông dân bao đời nay vẫn rất bấp bênh, liên tục kêu gọi “giải cứu” khi đầu ra phụ thuộc vào thương lái nước ngoài. 15 năm chật vật và điểm sáng gần như chỉ mới bắt đầu, HAGL cũng nuôi kỳ vọng quy mô hoá, công nghiệp hoá ngành nông nghiệt Việt Nam.

Hay nhỏ hơn là thị trường thịt thương hiệu, dù ngành chăn nuôi nước ta lâu đời và xuất khẩu nhiều trên thế giới, song “cuộc chơi” trong nước lại đang thuộc về thương hiệu ngoại CP, CJ… HAGL với Heo ăn chuối kỳ vọng sẽ trở thành một thế lực trong 2-3 năm tới.

Dù sao, dưới góc độ doanh nhân, bầu Đức đã làm nên được “hiệu ứng” của riêng mình:

Năm 2012, ông được biết là chủ DN bất động sản đầu tiên tuyên bố “Giảm giá các dự án đang mở bán 30-50% so với giá thị trường” vào năm 2012. Đây là thời điểm thị trường Việt Nam đóng băng trước hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu, HAGL dứt khoát rút chân khỏi bất động sản và chuyển hướng sang nông nghiệp, mà cụ thể là trồng cao su.

Năm 2021, HAGL chính thức thoái vốn khỏi HAGL Agrico (HNG). Lúc bấy giờ, ông chia sẻ rất khó để đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, trên vai trò là người “đẻ” ra DN, bầu Đức nhấn mạnh phải làm sao để DN phát triển. Và, sai thì chịu!. Ông cũng gửi gắm cổ đông tin tưởng vào hành trình tiếp theo của HAGL Agrico dưới trưởng chủ mới Thaco.

"Ngã ngựa" vào năm 2016, bị ngân hàng quay lưng, HAGL tuyên bố mất thanh khoản, nhiều cổ đông “ngậm đắng” rời bỏ khi thị giá Công ty giảm một mạch từ 25.000 đồng/cp về 5.000 đồng/cp. Nhưng vẫn có người ở lại, đặt niềm tin vào bầu Đức – doanh nhân bị gán tiếng “nổ” song không bỏ cuộc.

Liên tiếp 15 năm xoay vần từ bỏ cao su đi nuôi bò, dừng nuôi bò chuyển sang đầu tư vườn cây ăn trái: Áp lực dòng tiền do dư nợ quá lớn khiến HAGL phải liên tục thay đổi, và công cuộc xoay vần đã không mang lại kết quả lâu dài cho Công ty.

Đến năm 2018, HAGL được tái cơ cấu và bắt tay với Thaco. Sang năm 2021, HAGL thoái vốn khỏi HAGL Agirco (HNG): Từ đây bầu Đức tâm sự trút được gánh nặng nợ nần khủng khiếp và có thể tập trung thúc đẩy kinh doanh tại HAGL.

Nhiều lần chia sẻ sau này, bầu Đức gửi gắm tri ân với Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: “Nếu không có Thaco giải cứu đã không có HAGL hôm nay”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại