Một trận thua và chuyện đá bóng… trên mạng xã hội
HAGL đã thua 3-5 trước CLB Hà Nội ngay tại phố Núi. Một trận đấu mà đội khách chơi khá thong dong trong 40 phút đầu tiên để có được 4 bàn thắng. HAGL chỉ quật khởi tìm lại 3 bàn gỡ kể từ phút 41 trở đi.
Sau trận thua 3-5 trước CLB Hà Nội, nhiều ý kiến bất ngờ dồn về phía đội bóng phố Núi với rất nhiều câu hỏi. Điều này không có gì ngạc nhiên khi đội bóng Thủ đô trong cả mùa giải năm nay xem HAGL là đối trọng lớn nhất, không phải vấn đề thành tích mà chuyện hình ảnh.
Nhiều thông tin khác nhau được truyền tải trên mạng xã hội theo cách soi mói CLB HAGL đủ cách kiểu. Mục đích duy nhất là muốn thông qua những điều không tốt của HAGL để hạ thấp hình ảnh. Nhiều người gọi vui là đá bóng trên… mạng xã hội.
HAGL kể từ khi đôn lứa Công Phượng lên V.League chỉ 1 lần thua Hà Nội tại phố Núi.
Bóng đá Việt Nam trong bối cảnh hiệu ứng U23 Việt Nam. Chuyện các đội bóng tranh thủ làm hình ảnh là điều hoàn toàn có thể hiệu được. Thậm chí, hình thành nên cực đối lập kiểu HAGL và Hà Nội. Một đội vốn dĩ là thương hiệu của người hâm mộ, một đội nhiều năm sống trong sự lạnh nhạt và đang có cơ hội bứt phá về hình ảnh thông qua những Quang Hải, Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu.
Một cuộc chiến xem ra cần thiết để tạo nên hiệu ứng mới cho bóng đá Việt Nam. Vì sao? Có ganh đua, có “máu ăn thua”, tức các đội bóng đá khát khao làm bóng đá, muốn mang đến những sự tích cực cho chính mình. Thế nên, V.League cần có những đội bóng kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” như HAGL và Hà Nội.
Tuy nhiên, đừng chơi theo kiểu thiếu fair-play bằng cách “ném đá”, bất chấp mọi cách để triệt hạ hình ảnh của nhau. Vì bóng đá cần văn minh, cao thượng và chiến thắng theo cách đẹp nhất nếu muốn tạo dựng hình ảnh đẹp.
Đến chuyện của bầu Đức và HAGL
4 năm lên V.League, lứa Công Phượng có được gì, bầu Đức ơi? Câu hỏi có khá nhiều người đặt ra lúc này khi HAGL vẫn tiếp tục vất vả trụ hạng.
Nếu chỉ nhìn vào thành tích thì phán xét là HAGL không được gì cả, nhất là khi nhìn sang CLB Hà Nội đã vô địch V.League 2018 đầy thuyết phục. Trả lời vấn đề theo cách như thế thì bất kỳ người hâm mộ nào cũng đưa ra đáp án được. Tại sao?
Hãy quay lại hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam trước khi bầu Đức đưa lứa Công Phượng lên V.League. CLB Hà Nội đá bóng chẳng có mấy người xem. Ngay cả Bình Dương được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” đến mở cửa mà không có khán giả vào. Nhìn chung, V.League chẳng khác gì cảnh chợ chiều, do quá nhiều tiếng chửi, còn cầu thủ dính scandal đủ các kiểu.
Không có sự dũng cảm của bầu Đức làm sao có thành công U23 Việt Nam?
Sự khác biệt chỉ đến khi bầu Đức nhấc lứa Công Phượng lên sân chơi V.League 2015. Bóng đá cần khán giả. HAGL mang đến làn gió mới, đi đến đâu cũng kéo khán giả chật cứng. Một hình ảnh được ví cứu cả giải đấu và sứ mệnh của HAGL là mang khán giả đến sân.
Nếu bầu Đức không nhấc lứa Công Phượng lên đá V.League thì U23 Việt Nam liệu có thành công ở U23 châu Á và ASIAD 18? Nên nhớ, sự khác biệt rất lớn là lứa Công Phượng dù còn trẻ nhưng kinh nghiệm thi đấu là điều không hề thiếu. Chính những trận đấu ở V.League rèn giũa cho họ rất nhiều bài học để trưởng thành.
Rõ ràng, HAGL đá vì thành tích thì lứa Công Phượng không có nhiều đất diễn. Sân chơi V.League cũng không có được hiệu ứng khán giả. U23 Việt Nam cũng khó thành công. Vì bầu Đức không đưa cả lứa Học viện lên V.League thì HAGL chắc chắn không thể có lối chơi đẹp để thu hút người xem, lứa Công Phượng cũng không thể nhanh chóng trưởng thành.
Hơn hết, HAGL chỉ dùng một vài cầu thủ Học viện cùng việc mua nhiều cầu thủ giỏi, đem ngoại binh tốt để có thành tích. Chính HAGL cũng không tạo ra sức hút, điều này bầu Đức thừa hiểu hơn ai hết. Bởi đội bóng phố Núi đã từng 2 lần vô địch V.League. Bình Dương cả một dàn sao “ngoại hạng” với 4 lần vô địch V.League cũng không tạo ra hiệu ứng cho người hâm mộ. CLB Hà Nội trước mùa bóng 2018 đã 3 lần vô địch cũng chẳng có được tình yêu khán giả.
Vậy nên, 4 năm lên V.League, lứa Công Phượng có được gì? Câu trả lời là đừng nhìn vào thành tích để bàn luận thành quả ở bóng đá Việt Nam. Đơn giản là sau 17 năm lên chuyên nghiệp, những nhà vô địch chưa bao giờ được khán giả yêu mến, tạo được hiệu ứng lan tỏa cả nước như HAGL.
Còn nhìn về chuyện thành tích thì cứ trách rằng: bầu Đức ơi, trách ông quá… sai lầm! Cái sai của bầu Đức là dành quá nhiều khát vọng và tâm huyết cho bóng đá Việt Nam, để rồi sau mỗi thành công chẳng được nhắc đến nhiều nhưng xuất hiện trái đắng thì nhận sự chỉ trích. Chuyện này cũng giống như lần U22 Việt Nam thua ở SEA Games năm 2017 thì bầu Đức phải chịu vô vàn chê trách, còn U23 Việt Nam thành công chỉ lặng lẽ mỉm cười…