Từ tuyên bố của bầu Đức và con số 25 tỉ đồng của HAGL đến chuyện VPF lỗ, V.League mất nhà tài trợ
Năm 2015, bầu Đức bỏ nguyên đội 1 để đưa lứa đầu tiên của Học viện HAGL với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Đông Triều, Văn Thanh… lên đá V.League.
Và ông bầu CLB HAGL khiến cho cả làng bóng đá Việt "dậy sóng" khi đưa ra những tuyên bố động chạm và có phần chủ quan về kinh phí cần, đủ với một đội bóng chuyên nghiệp chơi V.League. Trong đó, đội bóng phố Núi của ông chính là minh chứng khi lãi ít nhất 5 tỉ đồng, do kiếm được đến hơn 20 tỉ đồng và chỉ cần chi khoảng 15 tỉ đồng.
"Với những hợp đồng đã ký, tôi đã có được 20 tỉ đồng cho mùa bóng mới. Đó là chưa kể tiền thu từ bán vé khi CLB bán vé xem cả năm cho khán giả. Trong năm 2015, chắc chắn HAGL chi không tới 15 tỉ đồng vì thế, chúng tôi sẽ lãi hơn 5 tỉ đồng…" - bầu Đức phát biểu.
Tuyên bố của bầu Đức gần như "đánh động" đến cả nền bóng đá chứ không chỉ V.League, khi bóng đá Việt Nam mười mấy năm làm chuyên nghiệp vẫn chỉ "đốt tiền" chứ chưa thể sinh lãi, khi tiền mà bóng đá kiếm được rất hạn chế. Thế nên bầu Đức không giấu sự tự hào và không ngại đụng chạm khi nói về thành công của HAGL trong việc kiếm được nhiều tiền và hạn chế tiêu tiền.
Sau hai năm đôn lứa Công Phượng lên V.League, HAGL chia tay nhà tài trợ chính (mỗi mùa tài trợ 15 tỉ đồng) và trước mùa giải 2017 ký hợp đồng với giá trị 50 tỉ đồng/2 mùa. Cùng với việc CLB Hà Nội hợp tác với Tập đoàn Muangthong United (Thái Lan), HAGL có được tài trợ khủng với con số là mơ ước của các đội bóng ở V.League.
Thực tế, từ cuối mùa giải 2017, HAGL có GĐKT người Hàn Quốc Chung Hae-seong và tiền lương của chuyên gia này được nhà tài trợ hỗ trợ. Đối tác này cũng lo chế độ dinh dưỡng cho HAGL khi bắt đầu chương trình nâng cao thể lực...
Với 25 tỉ đồng/mùa từ nhà tài trợ cộng thêm các nguồn thu khác từ tiền vé, bán đồ lưu niệm, quần áo... HAGL ít nhất phải có khoảng 30 tỉ/mùa. Đặt cạnh tuyên bố của bầu Đức hồi năm 2015, HAGL bây giờ có thể đã lãi từ bóng đá, khi họ gần như sử dụng "cây nhà, lá vườn", khoản chi tốn nhất là ký hợp đồng với ngoại binh.
HAGL của bầu Đức từng là đội đi đầu và "đốt tiền" nhiều nhất V.League, thế nhưng từ 3 năm qua thay đổi chiến lược, đội bóng có thể kiếm được tiền và sinh lãi, rõ ràng đó có thể coi là "chuyện lịch sử" của giải đấu, khi phần còn lại chưa có đội bóng nào dám tuyên bố lãi từ bóng đá.
Doanh thu của VPF đến ngày 3.12 trong giai đoạn 2014-2017 là 395,7 tỉ đồng, chi là 397 tỉ đồng. Tức tiền thu về của VPF trước khi kết thúc năm 2017 ít hơn khoản tiền chi ra là 1,3 tỉ đồng.
So sánh là khập khiễng và không thể nhìn con số để đánh giá một đơn vị tổ chức, điều hành các giải chuyên nghiệp như VPF sau những gì đã làm được, nhất là khi mục tiêu chính của VPF chưa phải kiếm tiền. Thế nhưng nếu đặt cạnh tuyên bố của Đức với con số 5 tỉ đồng tiền lãi của 3 năm trước và từ mùa bóng 2017 tiền tài trợ của đội bóng phố Núi tăng gần gấp đôi, không thể không suy nghĩ.
Nỗi buồn của VPF còn lớn hơn khi nhà tài trợ Toyota đã chính thức chia tay V.League kể từ mùa bóng tới, sau 3 năm gắn bó với bản hợp đồng chỉ khoảng 40 tỉ đồng/mùa. Thay đổi bộ máy lãnh đạo mới, giờ thì nhiệm vụ nặng nề là tìm kiếm nhà tài trợ mới, kiếm tiền để V.League "chạy" là bài toán đau đầu với tân Chủ tịch Trần Anh Tú.
Ở đây, có một điểm chung là nghịch lý của VPF cũng giống nỗi khổ của hầu hết các đội bóng ở V.League lẫn hạng Nhất phải chịu đựng xuyên suốt từ ngày ra đời sân chơi bóng đá chuyên nghiệp: Tiền chi nhiều thu. Đúng hơn, các đội bóng Việt Nam chỉ có đổ tiền làm bóng đá, còn gần như không thể kiếm tiền bởi thu về quá ít.
Câu chuyện các đội bóng Việt Nam chi nhiều hơn thu là vấn đề không hề mới, tồn đọng xuyên suốt 17 năm qua khi BĐVN đi lên chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sau gần 2 thập kỷ nhìn lại thì cách làm và hướng đi gần như không thay đổi, gần như đứng yên một chỗ trong bối cảnh giải đấu số 1 Việt Nam càng tụt lại so với khu vực, ít nhất là khía cạnh kiếm tiền và chuyên môn, tính giải trí. Minh chứng rõ ràng nhất, Toyota chia tay V.League sau 3 năm "kết hôn" và chọn Thai.League với một bản hợp đồng "khủng" giá trị gấp hơn 10 lần.
Một ví dụ thực tế cho sự thay đổi để tồn tại là HAGL sinh lãi, dù tuyên bố của bầu Đức chưa thể kiểm chứng có thực hay không và họ là trường hợp đặc biệt, khi ông bầu này đổ quá nhiều tiền của cho Học viện HAGL với lứa cầu thủ đầu tiên được đào tạo sau 7 năm. Thế nhưng ít nhất, lần đầu tiên ở V.League cũng có một ông bầu dám "vỗ ngực" tuyên bố có thể kiếm tiền từ bóng đá sau những đầu tư.
BĐVN giờ muốn thay đổi không phải là vấn đề đơn giản, nó thuộc tầm vĩ mô và tầm nhìn của những người có trách nhiệm. Liệu sau khi nhà tài trợ chia tay V.League thì sẽ có một cuộc "cách tân" thực sự về tư duy lẫn cách làm để thực trạng bóng đá Việt hay tiếp tục vết xe đổ trong nhiều năm qua?